Tại Hội nghị , Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn khẳng định: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp của Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế nhất định. Vì vậy, việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp là một trong những nội dung quan trọng cần được nghiên cứu, trao đổi làm rõ.
Nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn nhấn mạnh: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên và bảo đảm theo đúng quy định của Luật. Công tác chuẩn bị các kỳ họp bảo đảm đúng trình tự, thủ tục; các nghị quyết của HĐND được ban hành đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để UBND các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, điều hành phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Công tác giám sát được tổ chức thực hiện khoa học, tập trung vào những vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được đại biểu, cử tri và Nhân dân quan tâm. Thường trực, các Ban HĐND thường xuyên giữ mối liên hệ với Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND trong các hoạt động. Công tác theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân đã được Thường trực HĐND các cấp quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Mối quan hệ công tác giữa HĐND các cấp với cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở các địa phương ngày càng chặt chẽ, tạo thống nhất cao trong hoạt động...
Chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát biểu khai mạc và đề dẫn hội nghị, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn cũng đã thắng thắn chỉ rõ: Hoạt động của HĐND vẫn còn có những hạn chế nhất định.
Hội nghị được tổ chức với mục đích đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được của HĐND cấp tỉnh, huyện từ đầu nhiệm kỳ đến nay; trao đổi, thảo luận để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình hoạt động; đồng thời, các địa phương sẽ chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND trong thời gian tới. Trong đó, tập trung một số nội dung sau:
Đối với công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp HĐND: Cần làm rõ công tác phối hợp giữa Thường trực, các Ban HĐND với UBND cùng cấp, các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị xây dựng nội dung, chương trình kỳ họp, đặc biệt là các văn kiện trình tại kỳ họp…
Về hoạt động thẩm tra các tờ trình và dự thảo nghị quyết (có ý kiến đề nghị cần có cơ chế khuyến khích việc sử dụng các chuyên gia để tư vấn khi thực hiện thẩm tra, tăng cường các hoạt động khảo sát trực tiếp tại cơ sở và đối tượng chịu sự tác động của chính sách). Việc tổ chức TXCT trước và sau kỳ họp cho các đại biểu HĐND; công tác phối hợp tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp. Việc chuẩn bị chương trình điều hành chi tiết, phân công chủ tọa điều hành. Thực hiện chuyển đổi số trong chuẩn bị và điều hành kỳ họp nói riêng và hoạt động của HĐND nói chung…
Về hoạt động giám sát tại kỳ họp: Hoạt động giám sát tại kỳ họp được thực hiệnnghiêm túc, hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chất lượng, tính khả thi trong các quyết sách của HĐND. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện quyền giám sát tại kỳ họp HĐND thông qua xem xét các báo cáo chủ yếu trên cơ sở báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND, các đại biểu không chuyên trách chưa thực sự thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình. Do vậy, làm thế nào các đại biểu phát huy được sở trường, thể hiện tâm huyết, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của người đại biểu dân cử tại các phiên thảo luận và biểu quyết thông qua những vấn đề quan trọng tại kỳ họp. Đây là những nội dung cần có sự tham gia, đóng góp ý kiến của các đại biểu dự hội nghị để tìm ra các giải pháp hiệu quả.
Đối với công tác điều hành của chủ tọa kỳ họp: Chủ tọa kỳ họp có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng, tiến độ thực hiện chương trình kỳ họp…Hội nghị nghiên cứu, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong công tác điều hành, định hướng nội dung, các vấn đề để đại biểu HĐND thảo luận, tranh luận, chất vấn và thống nhất thông qua nghị quyết tại kỳ họp.
Về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp: Các đại biểu thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến việc lựa chọn vấn đề chất vấn, đối tượng chất vấn, về cách thức đặt câu hỏi chất vấn và cách thức trả lời chất vấn, thời lượng kỳ họp dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; theo dõi, đôn đốc và giám sát việc thực hiện lời hứa của người bị chất vấn. Đặc biệt, đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ về việc có cần thiết phải ban hành Nghị quyết về chất vấn hay không?
Nâng cao chất lượng ban hành các nghị quyết tại kỳ họp: Để nghị quyết của HĐND được ban hành đúng luật, sát với thực tiễn, có tính khả thi cao, đề nghị các đại biểu trao đổi về kinh nghiệm thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết để hoạt động thẩm tra sâu, không bị động và hạn chế tác động từ việc UBND chậm cung cấp tài liệu, để báo cáo thẩm tra của các ban thực sự trở thành tài liệu quan trọng, định hướng đại biểu thảo luận và quyết nghị tại kỳ họp.
Về thực hiện tiếp xúc cử tri: Nhằm tiếp tục nâng cao trách nhiệm và cơ chế phối hợp của đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND, Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức thực hiện TXCT, Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành hướng dẫn liên tịch về hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh. Do vậy, từ thực tiễn hoạt động TXCT tại đơn vị, địa phương, đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, cho ý kiến thảo luận về đổi mới cách thức, hình thức, phương pháp TXCT để tăng cường thực hiện trong thời gian tới. Đơn cử như về số lần, phạm vi TXCT đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nên bố trí để tiếp xúc rộng rãi, đa dạng trong toàn tỉnh, toàn huyện hay chỉ tập trung tiếp xúc trong khu vực bầu cử đại biểu...
Về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri: Cần làm rõ các giải pháp nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại ý kiến cử tri; cơ chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ và Tổ đại biểu HĐND trong chỉ đạo, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo tại các kỳ họp bảo đảm chất lượng, tiến độ là câu hỏi đặt ra để hội nghị cùng nghiên cứu…
Về hoạt động giám sát chuyên đề: Các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả liên quan đến việc lựa chọn nội dung giám sát; hình thức và phương pháp giám sát; việc tổ chức giám sát; việc tổ chức hội thảo, thuê chuyên gia hay những người có kiến thức chuyên môn sâu về những lĩnh vực; việc tổ chức khảo sát, thu thập thông tin; giải pháp để các kiến nghị giám sát được tiếp thu, thực hiện nghiêm túc.
Về tổ chức triển khai Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH: Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND là “chìa khóa” để từng bước tổ chức triển khai bài bản, đồng bộ và thống nhất. Do vậy, đề nghị Thường trực, Ban HĐND các huyện, thành phố thảo luận về bước đầu trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, những thuận lợi và khó khăn để thông qua đó có căn cứ thực tiễn làm cơ sở kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hướng dẫn hoặc điều chỉnh cho phù hợp.
Cùng với những nội dung trên, đề nghị các đại biểu thảo luận thêm về một số nội dung như: chế độ khen thưởng, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí để bảo đảm tốt nhất cho hoạt động của Thường trực, các Ban, Tổ và đại biểu HĐND trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.