Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, tổng số doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện là 362 doanh nghiệp. Hoạt động của các doanh nghiệp này được Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện và đề xuất xử lí các vấn đề vi phạm. Đặc biệt, năm 2018 có gần 143 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; và cũng là thứ ba liên tiếp, lĩnh vực này đạt con số ấn tượng; trong đó, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ả rập – Xê út… là những thị trường đông nhất.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phát biểu |
Song song với số lượng lao động ra nước ngoài làm việc, số lao động nước ngoài tại Việt Nam cũng có xu hướng tăng. Hiện cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài, đa số đã được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp phép lao động). Số còn lại không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc đang làm thủ tục xin cấp phép.
Ông Mikhail Ivankov, Đại diện Cơ quan liên bang về dịch vụ Việc làm ROSTRUD (Liên bang Nga) phát biểu. |
Theo nhận định của các đại biểu dự Hội thảo, lao động Việt Nam được đánh giá cao bởi sự tiếp cận nhanh với công việc và môi trường lao động của nước sở tại, nhất là đối với một số nghề như: điều dưỡng, hộ lý, nuôi trồng thủy sản, may mặc, xây dựng, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động và đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ, kiến thức văn hóa xã hội cho người lao động trước khi xuất khẩu.
Toàn cảnh Hội thảo |
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, để chủ động lựa chọn và mở rộng thị trường, Việt Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động thông qua việc đào tạo trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi đi, để vừa đảm bảo thu nhập và tính cạnh tranh. Đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến nhóm lao động này.