Trong đó, có 130 chung cư có diện tích dịch vụ thương mại tầng 1 với tổng diện tích 97.042m2 và đã cho thuê 43.458m2. Hiện nay, đối với diện tích còn lại, Công ty Phát triển nhà TP. Hà Nội, Trung tâm Quản lý nhà TP. Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai việc đấu thầu để đấu giá quyền thuê.
Còn đối với diện tích của tầng 1 thuộc các chung cư thương mại phải bàn giao cho TP. Hà Nội quản lý, sau khi rà soát gồm có 21 dự án với tổng diện tích 55.615m2, trong đó tổ chức tiếp nhận 17.587m2. Hiện nay tiếp tục rà soát để thực hiện việc thu hồi và tiếp nhận bàn giao khoảng 38.000m2.
Đối với việc bố trí cho các mục đích công cộng, trong tổng số 201 chung cư tái định cư có 94 chung cư không có diện tích kinh doanh dịch vụ, nhà sinh hoạt cộng đồng, vì vậy, việc triển khai chuyển đổi diện tích kinh doanh dịch vụ sang bố trí cho nhà sinh hoạt cộng đồng đã được TP. Hà Nội chỉ đạo quyết liệt và về cơ bản đã hoàn thành nội dung này.
Đối với việc bố trí diện tích cho các trạm y tế, Sở Xây dựng đã có đề nghị Sở Y tế và các quận, huyện rà soát lại toàn bộ nhu cầu. Hiện nay, các đơn vị đang rà soát và tổng hợp số liệu về nhu cầu, từ đó, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ cùng các đơn vị liên quan báo cáo UBND TP. Hà Nội cân đối quỹ đất phục vụ việc bố trí các trạm y tế tại tầng 1 của các nhà chung cư tái định cư.
Đối với nhóm vấn đề về kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố từ năm 2020 đến nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, kết quả tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020 - 2023 vượt 6,14% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm góp phần quan trọng cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Cũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đánh giá về khó khăn đối với các trường trung cấp, cao đẳng hiện nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Trong khi đó, Thủ đô là nơi tập trung nhiều trường đại học, các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy, các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học.
Về giải pháp đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà cho biết, đối với công tác đào tạo nghề, tiếp tục rà soát nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các Kế hoạch, Chương trình, Đề án về phát triển nguồn nhân lực Thủ đô và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 sau khi được ban hành.
Bên cạnh đó, tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các văn bản chỉ đạo của thành phố về phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, xây dựng tin, bài, chuyên mục trên báo chí; tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở của các quận, huyện, thị xã.