Chuyên đề giám sát đúng đắn và kịp thời
Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua 2017, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, thực hiện các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và quản lý nhà nước về quy hoạch. Luật Quy hoạch có điểm mới như: Khắc phục tình trạng nhiều luật, pháp lệnh quy định về quy hoạch, đến thời điểm trước khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, có 101 luật, pháp lệnh và 85 nghị định có quy định về hoạt động Quy hoạch. Cùng với đó là, giảm số quy hoạch phải lập, giảm kinh phí lập quy hoạch; Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch thống nhất đồng bộ hơn; phân định rõ các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và khắc phục chồng chéo giữa các quy hoạch.
Sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện: Trình Quốc hội sử 73 luật, pháp lệnh bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch; rà soát lập danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoach quốc gia, quy hoạch tỉnh; ban hành các văn bản chi tiết…
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm Luật Quy hoạch có hiệu lực mới có Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội thông qua; 6 quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, còn 104 quy hoạch đang lập, chưa hoàn thành. Việc chậm tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, 5 năm 2021-2025 và cả giai đoạn quy hoạch. Do đó rất cần Quốc hội giám sát, đánh giá toàn diện kết quả, hạn chế, vướng, mắc bất cập, đề ra giải pháp giải quyết, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Qua báo cáo cho thấy, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ kết quả, tồn tại hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt là nội dung đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết sau giám sát thực hiện Luật Quy hoạch việc: Chính phủ hướng dẫn quy trình lập quy hoạch bằng phương pháp tích hợp; người có thẩm quyền áp dụng hình thức chỉ định thầu và chịu trách nhiệm đối với các gói thầu tư vấn lập quy hoạch; thực hiện quy trình điều chỉnh quy hoạch phù hợp nếu quy hoạch cấp thấp hơn không phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn; sử dụng kinh phí thường xuyên trong hoạt động quy hoạch; hướng dẫn việc ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch; thực hiện lập các quy hoạc đồng thời và điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn nếu có mâu thuẫn với quy hoạch cấp cao hơn, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong luật hiện hành và các văn bản chi tiết nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật quy hoạch được sửa đổi có hiệu lực. Tôi thống nhất vấn đề này.
Cần thống nhất phạm vi, đối tượng quy hoạch ngành quốc gia
Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ rõ hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các bộ ngành, cần có giải pháp khắc phục. Tôi đề nghị Chính phủ một số giải pháp trong tổ chức lập quy hoạch như sau:
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế trao đổi thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Hiện nay các quy hoạch đều được lập đồng thời, chưa có Quy hoạch Tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành làm cơ sở lập quy hoạch tỉnh. Các quy hoạch đang lập đều thực hiện tích hợp quy hoạch theo điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch; quy hoạch cấp thấp hơn có thể được phê duyệt trước. Tuy nhiên quy hoạch cấp thấp hơn không phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn thì phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp cao hơn.
Nếu không có cơ chế trao đổi thông tin, cung cấp dữ liệu liên quan trong quá trình lập quy hoạch sẽ dẫn đến có thể phải điều chỉnh nhiều quy hoạch cấp thấp hơn gây mất thời gian và lãnh phí nguồn lực, đồng thời ảnh hưởng phát triển kinh tế xã hội. Do vậy đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng cần cung cấp thông tin đã được Chính phủ thống nhất cho các bộ, cấp tỉnh về: Mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kịch bản phát triển; không gian phát triển hạ tầng kết nối, dự án ưu tiên đầu tư phát triển vùng, liên vùng; định hướng phát triển vùng, các ngành ưu tiên phát triển trong thời kỳ quy hoạch. Các bộ, ngành, tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch để phục vụ việc tích hợp quy hoạch và lập các quy hoạch quốc gia nhằm bảo đảm nguyên tắc lập quy hoạch trên xuống, dưới lên, có tham gia nhiều bên và bảo đảm mối quan hệ giữa các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và giảm thiểu các quy hoạch phải điều chỉnh sau phê duyệt.
Thứ hai, theo nhiệm vụ lập quy hoạch của các ngành quốc gia chưa thống nhất về phạm vi đối tượng lập quy hoạch liên quan hệ thống hạ tầng thuộc ngành. Đề nghị Chính phủ thống nhất phạm vi đối tượng quy hoạch ngành quốc gia. Theo hướng quy hoạch ngành quốc gia chỉ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng thuộc ngành mình quản lý có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, phân cấp cho cấp tỉnh lập quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ trong tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương và tạo sự chủ động trong việc bố trí không gian lập quy hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Thứ ba, đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí không gian quy hoạch phát triển hạ tầng an sinh xã hội: khu dân cư đô thị, nông thôn; hạ tầng bảo vệ môi trường, thiết chế văn hóa; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở khám bệnh chữa bệnh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội và quốc phòng an ninh, giữa dân số với phát triển; kết hợp quy hoạch với chính sách phát triển địa bàn khó khăn. Đồng thời bảo đảm quy hoạch phù hợp với khả năng tổ chức thực hiện có tính khả thi cao, tránh quy hoạch dự án đầu tư nhiều năm không thưc hiện dẫn đến dự án treo, ảnh hưởng đời sống người dân bị thu hồi đất và lãng phí đất đai.
Về phân bổ chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất quốc gia cho địa phương còn có lĩnh vực chưa sát thực tế. Nhưng chỉ tiêu này là cơ sở để lập quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch cấp huyện và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Do đó nhiều địa phương còn vướng mắc trong thực hiện bố trí không gian lập quy hoạch theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội và tuân thủ các quy hoạch cấp cao hơn, trong điều kiện chỉ tiêu được giao thấp hơn nhu cầu thực tế. Đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ liên quan phối hợp với địa phương, khảo sát thực tế trước khi đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử sụng đất 5 năm để làm cơ sở phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho địa phương làm cơ sở lập quy hoạch sát thực tế hơn.