Nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh, sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam với mục tiêu kích thích tiêu dùng nội địa phục hồi sau đại dịch Covid-19, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình thúc đẩy, kết nối giao thương, quảng bá hình ảnh đối với các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ. Theo đánh giá, các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Thủ đô.
Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội chợ triển lãm hàng lưu niệm Thủ đô năm 2023 thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, giao dịch với các đơn vị trưng bày, giới thiệu sản phẩm, sự kiện nhằm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến Thủ đô tham quan. Đây là sự kiện nhằm quảng bá, triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về Tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Thông báo số 264-TB/TW ngày 31.7.2009 và Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19.5.2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hội chợ triển lãm hàng lưu niệm Thủ đô năm 2023 được tổ chức với mục đích hỗ trợ cho các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, nghệ nhân trưng bày và giới thiệu, quảng bá sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ đậm đà bản sắc văn hóa của các làng nghề truyền thống của Hà Nội.
Bên cạnh đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất các mặt hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thành phố tham gia các hoạt động kết nối giao thương tại Hội chợ; đẩy mạnh liên kết hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu có chất lượng cao, hình thành chuỗi sản xuất - tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa nông thôn bền vững, phục hồi sau nhiều năm chịu tác động của dịch Covid-19.
Hội chợ có quy mô 100 gian hàng có thiết kế tiêu chuẩn của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn TP. Hà Nội và khu trưng bày sản phẩm có thiết kế mới quảng bá, giới thiệu và bán hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ (các ngành hàng: gốm sứ, sơn mài, khảm trai, thêu, lụa, mây tre đan, đồ gỗ và một số sản phẩm đặc trưng của Thủ đô).
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội thời gian qua, các hoạt động xúc tiến diễn ra sôi động, đa dạng với nhiều sự kiện điểm nhấn thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Các Sở, ngành đã phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu đổi mới, thay đổi phương thức triển khai phù hợp, hiệu quả, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước: Tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thông qua hội nghị, chương trình cà phê doanh nhân; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối đối tác thông qua các chương trình tuần hàng, Festival…; quảng bá, xúc tiến phục hồi du lịch thông qua lễ hội du lịch, lễ hội ẩm thực…; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với các tổ chức, đối tác quốc tế…
Đồng thời, kết nối các quận, huyện của thành phố và các tỉnh, thành phố trong cả nước góp phần tăng cường liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến nhằm khai thác tối ưu nguồn lực và lợi thế của mỗi địa phương.