Triển khai hiệu quả các buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề
Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết: Thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH thành phố được tổ chức chu đáo, luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, HĐND các cấp.
Đáng chú ý, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, Đoàn ĐBQH thành phố đã tổ chức được 182 cuộc tiếp xúc cử tri; trong đó có 6 cuộc theo chuyên đề, lĩnh vực. Ý kiến, kiến nghị cử tri được tổng hợp đầy đủ, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết để trả lời.
Các buổi tiếp xúc thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân. Qua đó, cử tri đề đạt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình với các cấp ủy, chính quyền và tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
Các cuộc tiếp xúc có đông đảo cử tri đại diện cho các ngành, các giới, các thành phần; các tổ chức quần chúng Nhân dân; có đại diện chính quyền địa phương từ thành phố đến cơ sở; các sở, ban, ngành, địa phương cùng tham gia để giải đáp những vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền.
Đặc biệt, hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng được triển khai hiệu quả, với các chuyên đề về: Kinh tế - xã hội; chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; về nông nghiệp, nông thôn; điện sinh hoạt; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; giáo dục; bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; ngân hàng...
Đôn đốc theo dõi việc giải quyết kiến nghị của cử tri
Tại hội nghị, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện: Mỹ Đức, Sóc Sơn, Cầu Giấy, Đống Đa, Long Biên... kiến nghị, mở rộng hình thức tiếp xúc cử tri. Trong đó, tăng cường tiếp xúc theo chuyên đề. Nếu thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, giúp ĐBQH có thêm nhiều thông tin khi tham gia quyết định các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. Cùng với đó, trước khi tiếp xúc, ĐBQH cần kiểm tra, rà soát những ý kiến, kiến nghị và những vấn đề được cử tri quan tâm nêu tại cuộc tiếp xúc cử tri trước đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết đến đâu, còn vướng mắc khâu nào…
Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam nơi tổ chức tiếp xúc, với tư cách là chủ trì buổi tiếp xúc cử tri cần quan tâm năng lực tổ chức, điều hành, hướng cử tri tham gia phát biểu có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri bám sát nội dung trọng tâm, bức xúc, nhất là những vấn đề quan tâm của đông đảo cử tri; phân loại theo từng lĩnh vực. Đồng thời, xác định rõ thẩm quyền giải quyết thuộc cấp, ngành nào để chuyển tới đúng địa chỉ.
Các đại biểu cũng cho rằng, tại một số hội nghị tiếp xúc, còn tình trạng cử tri không đóng góp ý kiến; cử tri phát biểu chủ yếu tập trung vào việc riêng liên quan đến khiếu nại, tố cáo... Đối với hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, nơi cư trú, nơi công tác để nắm bắt thông tin, có ĐBQH chưa chủ động sắp xếp thời gian thực hiện.
Bên cạnh đó, việc mời thành phần dự các hội nghị tiếp xúc cử tri cũng có những bất cập. Hầu hết cử tri trực tiếp lao động, sản xuất ở cơ sở được mời dự thì những kiến nghị có tính sự vụ, thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện, xã. Những cử tri có khả năng đóng góp ý kiến ở tầm vĩ mô lại thường rơi vào đối tượng “cử tri chuyên nghiệp”…
Đáng lưu ý, để hoạt động tiếp xúc cử tri hiệu quả, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương cho rằng, cần tăng cường vai trò hoạt động giám sát của đại biểu sau mỗi cuộc tiếp xúc cử tri thông qua các kỳ họp và qua công tác xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân. Qua đó, đại biểu đánh giá chất lượng giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với những ý kiến trả lời, giải quyết chưa thỏa đáng, ĐBQH cần tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành, UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo giải quyết.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, thời gian tới, từng ĐBQH tiếp tục tham gia trách nhiệm, đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri, thực hiện đúng chương trình hành động; đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri, tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề, theo nhóm ĐBQH, tại nơi cư trú, theo lĩnh vực ngành nghề... để chuyển tải đầy đủ ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội. Đồng thời, các cơ quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động tiếp xúc cử tri, đôn đốc theo dõi việc giải quyết kiến nghị của cử tri...