Ngày thi đã cận kề, thời điểm căng thẳng nhất của các sĩ tử. Áp lực bài vở quá nhiều, quỹ thời gian trở nên eo hẹp, thậm chí không còn thời gian để ăn uống, ngủ nghỉ. Đây là lúc tế bào não phải hoạt động liên tục với cường độ cao, đòi hỏi nhu cầu năng lượng và các dưỡng chất cho trí não rất lớn.
Nếu không quan tâm đúng mức các em rất dễ bỏ bữa hoặc ăn qua loa, hoặc quá lo lắng nên ăn uống không ngon miệng khiến cơ thể kiệt sức, mệt mỏi, dễ bị bệnh... ảnh hưởng không tốt đến kết quả thi cử.
Vì vậy, BS.CK1 Trần Thị Minh Nguyệt - Viện trưởng Viện nghiên cứu dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh lưu ý tới các thí sinh như sau:
Ăn đủ bữa
Thí sinh đừng quên nạp năng lượng, dưỡng chất cho cơ thể, đảm bảo ăn đủ ba bữa chính trong ngày (sáng, trưa, chiều) với đầy đủ bốn nhóm thực phẩm trong mỗi bữa. Cụ thể:
- Nhóm chất bột đường (cơm, bún, phở, mì...): Cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, đặc biệt quan trọng cho não, cơ thể cần 60 – 65% năng lượng từ nhóm này.
- Nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, hải sản, đậu...): Cung cấp năng lượng và các acid amin cần thiết để xây dựng tế bào cơ thể, trong đó có tế bào não.
- Nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ): Cung cấp năng lượng và các acid béo cần thiết cho cơ thể, giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K là những thành phần hết sức quan trọng của cơ thể.
- Nhóm rau và trái cây: Cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ rất quan trọng cho cơ thể.
Ngoài các bữa chính, cần ăn 2 - 3 bữa phụ với sữa, sữa chua, bắp, khoai củ luộc, chè, đậu, trái cây. Đặc biệt chú ý bữa sáng các em phải được ăn uống đầy đủ để cung cấp năng lượng cho ngày học tập mới.
Lựa chọn thực phẩm
- Các thí sinh cần được cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và các dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt các dưỡng chất cho trí não. Cần ăn đa dạng thực phẩm, phụ huynh nên chuẩn bị thức ăn tươi ngon, phong phú, càng nhiều loại càng tốt, mỗi ngày các em cần ăn trên 20 loại thức ăn khác nhau.
Chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, càng gần tự nhiên càng tốt, nên sử dụng muối I ốt trong chế biến thức ăn.
- Ưu tiên các loại đạm động vật có giá trị sinh học cao như thịt gà, cá, trứng, sữa, thủy hải sản, thịt heo, thịt bò... và đạm thực vật từ đậu.
Đặc biệt, sữa là một thực phẩm thích hợp cho các bữa phụ của các em vì tính tiện lợi, dễ uống, lại chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể cũng như dưỡng chất cho trí não.
- Cần bổ sung nhiều chất béo thiết yếu cho hoạt động của não bộ, có nhiều trong các loại cá béo như cá hồi, cá ba sa, cá thu, cá ngừ, cá trích, trong các loại hạt nhiều dầu như hạt bí đỏ, hướng dương, mè... nên thường xuyên ăn cá, ít nhất 3 lần trong tuần hoặc ăn các loại hạt nhiều dầu.
- Tăng cường rau xanh, quả chín cung cấp nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất quan trọng giúp tăng cường chuyển hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng cũng như nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể.
- Không nên sử dụng nhiều chất kích thích (trà, cà phê, nước ngọt, nước tăng lực...) có thể làm cho cơ thể có cảm giác khỏe hoặc tỉnh ngay lúc đó nhưng hôm sau rất mệt.
- Không nên ăn nhiều các loại thức ăn chế biến sẵn vì nhiều béo, nhiều đường, nhiều muối nhưng lại nghèo dinh dưỡng.
Uống đủ nước
Đừng quên uống nước thường xuyên, đảm bảo uống đủ 1,5 - 2 lít mỗi ngày. Nước giúp tất cả các cơ quan hoạt động nhịp nhàng, thiếu nước các em dễ mệt mỏi, giảm tập trung, não kém linh hoạt, nên dùng nước lọc, nước hoa quả tươi, trà xanh...
Rèn luyện, nghỉ ngơi hợp lý
Cần sắp xếp thời gian học tập hợp lý, dành thời gian ăn uống và ngủ đủ giấc. Khi đó sức khỏe mới đảm bảo, hiệu suất học tập cao hơn.
Nếu các em cứ gắng sức, thức quá khuya để học, thì rất dễ bị uể oải, mệt mỏi, đầu óc trống rỗng, kiệt sức vào thời điểm cận kề ngày thi.