Chỉ còn hơn 2 tháng nữa các thí sinh sẽ bước bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, chia sẻ về công tác ôn tập cho học sinh trong giai đoạn nước rút này, thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên dạy Toán ở Hà Nội) cho rằng, học sinh cần tự đánh giá kiến thức mình còn thiếu, còn yếu phần nào để có kế hoạch khắc phục. Đồng thời, trao đổi thêm với giáo viên bộ môn để có nhận được sự hướng dẫn, tư vấn ôn thi hợp lý.
Học chắc kiến thức cơ bản, phân bổ thời gian phù hợp
Nhiều năm trực tiếp ôn luyện cho học sinh, thầy Trần Mạnh Tùng khuyên các học sinh cần tăng cường khả năng tự học. Có thể, mỗi ngày cần ít nhất 1 tiếng để tự học (trừ học chính, học thêm), nếu không sẽ không củng cố được kiến thức.
Đối với môn Toán, sẽ rất thuận lợi khi học theo bài; theo các vấn đề. Với mỗi bài, học sinh nên tự học theo hai bước: Một là, nắm chắc kiến thức cơ bản, học trong sách giáo khoa hay internet. Hai là, làm bài tập liên quan đến kiến thức đó theo hướng từ dễ trở lên.
Trừ môn Văn, các môn còn lại đều thi trắc nghiệm. Do đó, thầy Tùng cho rằng, ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản, học sinh cần rèn các cách khác nhau để xử lí câu hỏi trắc nghiệm nhanh, hiệu quả. Ngoài cách làm trực tiếp, có thể làm gián tiếp bằng đặc biệt hóa, thử đáp án hoặc nhờ sự hỗ trợ của máy tính. Các em cũng cần luyện làm bài, làm đề có bấm thời gian để dần cải thiện tốc độ làm bài của mình.
Việc ôn thi phải có kế hoạch rất cụ thể theo từng tuần và từng ngày để mang lại hiệu quả, nếu đến sát ngày thi học sinh sẽ càng cuống, dẫn đến ôn luyện không hiệu quả, hay bị mất tinh thần và lo lắng.
Thầy Tùng cho rằng, học sinh cần tự đánh giá, ở thời điểm này mình còn thiếu, còn yếu phần nào để có kế hoạch khắc phục phần đó. Các em có thể trao đổi thêm với giáo viên bộ môn để có nhận được sự hướng dẫn, tư vấn ôn thi hợp lý.
Đối với việc ôn luyện môn Toán, học sinh cần tăng cường làm bài tập và làm đề, mỗi tuần làm 1 đề trong 90 phút để biết được điểm mạnh, điểm yếu và tìm cách khắc phục. Học sinh nên tăng cường học bằng nhiều kênh như học nhóm cùng bạn bè hay học trên internet.
Học sinh làm đề một cách khôn ngoan: Làm sâu thay vì làm rộng; quan tâm đến chất lượng hơn số lượng. Học sinh làm một đề tối đa theo sức mình, sau đó xem lại kỹ lưỡng từng câu để rút kinh nghiệm. Tránh tình trạng làm đề lấy điểm mà không nhìn lại kỹ càng; làm quá nhiều đề, tràn lan nhưng không chốt lại kiến thức nào.
Đặc biệt, cần luyện đề kết hợp tổng ôn kiến thức. Hiện nay, có nhiều thầy cô luyện thi theo kiểu giao đề cho học sinh làm. Học sinh đến lớp chỉ làm đề, chữa đề, gây nhàm chán. Vì vậy, nếu có sự phối hợp học theo chuyên đề; giữa cung cấp, hướng dẫn nội dung lý thuyết tương ứng với các dạng bài tập, học sinh được học “hai trong một” sẽ mang lại kết quả tốt hơn.
Các nhà trường cần xác định rõ mục tiêu, tăng cường dạy học phân hóa
Dựa vào kết quả hàng năm và đối tượng học sinh của năm nay, thầy Tùng cũng cho rằng, các nhà trường cần đặt mục tiêu cụ thể với từng môn, từng lớp. Từ đó, giáo viên có thể xây dựng các hành động một cách phù hợp. Việc đặt mục tiêu để thầy trò cùng phấn đấu, cùng thi đua là một cách làm tích cực và hiệu quả.
Các tổ bộ môn cần có kế hoạch chi tiết đến từng tuần và triển khai đồng loạt với các lớp 12. Kế hoạch cần được xây dựng để đến ngày đi thi có thể đạt được các yêu cầu về ôn tập cũng như tính khả thi của mục tiêu đã đặt ra.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các đợt thi thử cho học sinh cũng là một cách để học sinh được tập dượt cũng như được đánh giá toàn diện để có các cải thiện thích hợp.
Tùy điều kiện của mỗi trường, việc chia các đối tượng học sinh để dạy học phân hóa là cần thiết để tăng tính hiệu quả. Ngay trong một lớp học giáo viên cũng cần có các yêu cầu phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Giáo viên cần sát sao để phát hiện ra điểm còn thiếu, còn yếu của học sinh để có phương án hỗ trợ ngay. Giáo viên cần chắt chiu thời gian quý giá của giai đoạn này và truyền được thông điệp đó đến học sinh để thầy trò cùng cố gắng, học và ôn một cách nghiêm túc, để mỗi tiết học trôi qua không bị lãng phí.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng cũng cho rằng, kế hoạch ôn tập của nhà trường cũng cần được chia sẻ đầy đủ cho các đối tượng có liên quan để việc dạy và học chủ động.
Khi cần hỗ trợ, giáo viên bộ môn có thể trao đổi thêm với giáo viên chủ nhiệm, với cha mẹ học sinh, với ban giám hiệu. Các giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm nên học hỏi, trao đổi thêm với các giáo viên cứng tay nghề để tăng hiệu quả giờ dạy cũng như chọn các cách làm phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Đặc biệt, nhà trường cần có file theo dõi quá trình học cũng như sự tiến bộ của học sinh để có thể can thiệp, tăng cường các biện pháp kịp thời. Các nhà trường nên tiến hành định kỳ họp giao ban với giáo viên dạy khối 12 để chia sẻ thông tin và tìm kiếm các giải pháp, tần suất có thể là 2 tuần 1 lần.
Bên cạnh đó, để tận dụng được công sức, trí tuệ của cả tổ cũng như đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng; các tổ nên phân công soạn chung tài liệu dạy học và ôn thi. Tổ trưởng có trách nhiệm duyệt tài liệu theo từng tuần và báo cáo Ban giám hiệu, tránh việc mỗi giáo viên tự dùng tài liệu khác nhau, không đồng bộ và không kiểm soát được chất lượng.
Các nhà trường cần xác định rõ tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 để giáo viên, học sinh cùng vào cuộc một cách nghiêm túc, trăn trở để tìm các cách làm hiệu quả để đạt các mục tiêu đã đề ra, cùng là thể hiện trách nhiệm của mình với học sinh, với xã hội.