Các ĐBQH cơ bản đồng tình với nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cũng như sự cần thiết ban hành Luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trên thực tế, việc sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ rất phức tạp và có thể tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm cho xã hội nếu không được quản lý chặt chẽ. Do vậy, nhiều ĐBQH nhất trí cho rằng, quy định chặt chẽ việc sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như dự thảo Luật là rất cần thiết. Tuy nhiên, các ĐBQH Giàng A Chu (Yên Bái), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)… cũng lưu ý, khi quy định về sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ cơ quan soạn thảo chưa nghiên cứu khía cạnh văn hóa của việc sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ.
ĐBQH Giàng A Chu (Yên Bái) phát biểu tại hội trường |
Thực tế cho thấy, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc có những nét độc đáo riêng. Hiện, nhiều nơi, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn dùng tiếng nổ trong các sinh hoạt văn hóa. Ví dụ, ở một số vùng, trường hợp người mất là người có uy tín, chức sắc, khi tổ chức đám tang, nếu mở tiệc lớn là đồng bào dùng tiếng súng để thông báo. Nếu quy định như dự thảo Luật, nay mai nếu già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ yêu cầu dùng tiếng súng để báo tin về đám hiếu, thì nguy cơ là sau đám hiếu đó cả gia đình có người mất sẽ rơi vào tình trạng… vi phạm pháp luật. Từ thực tiễn này, ĐB Giàng A Chu “tha thiết” đề nghị QH nghiên cứu để quy định một khoản trong Luật này về sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ vì mục đích văn hóa. Và để quản lý việc sử dụng vũ khí thô sơ, ĐB Giàng A Chu đề nghị, nếu cho phép sử dụng vũ khí thô sơ vào mục đích văn hóa thì cũng cần có quy định người sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ vào mục đích văn hóa cũng phải chịu trách nhiệm về sự an toàn tuyệt đối trong quá trình sử dụng.
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phát biểu tại hội trường |
Tranh luận với quan điểm nêu trên, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) thể hiện sự không đồng tình. Lý lẽ là bởi, đất nước ta có 54 dân tộc, với nhiều tập quán khác nhau, có nhiều phong tục tập quán tốt đẹp cần được bảo tồn, phát huy, phát triển. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay, cũng có một số tập quán cần được thay đổi cho phù hợp.
Dẫn ra ví dụ về việc cấm pháo nổ cách đây gần 20 năm, ĐB Nguyễn Thanh Hồng nêu rõ, tiếng pháo khi ấy được cho là dấu hiệu cho mùa xuân tới, trở thành nét văn hóa của người dân nhưng vì bảo đảm an toàn xã hội, chúng ta có chỉ thị để cấm việc đốt pháo. Lúc đầu chủ trương này cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng sau 20 năm, chủ trương này đã đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Liên hệ tới quy định của dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Thanh Hồng đề xuất, cần tính toán chấp nhận hy sinh lợi ích bé hơn để có được lợi ích lớn hơn. Tuy nhiên, Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm vận động bà con chấp hành quy định mới của Luật, đồng thời có những cách thức hoạt động phù hợp với đồng bào dân tộc.
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, vì mục đích an ninh, an toàn xã hội, việc nổ súng, công cụ hỗ trợ phục vụ vì mục đích văn hóa theo tập tục của một số đồng bào dân tộc nên cấm.