Chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách phục vụ phòng, chống dịch
Theo quy định của Luật Đấu thầu, việc chỉ định thầu được thực hiện trong một số trường hợp. Trong đó, sẽ áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện…
Quy định cụ thể nội dung này, Nghị định 24/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ, việc chỉ định thầu đối với các trường hợp trên sẽ được thực hiện trong trường hợp cấp bách cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Theo đó, áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch theo văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc quyết định công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm hoặc địa phương đề nghị công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chỉ định thầu cũng được áp dụng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp phục vụ các đoàn ngoại giao, hỗ trợ các nước phòng, chống dịch cần triển khai ngay nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và theo đề nghị của cấp có thẩm quyền…
Cũng theo Nghị định 24/2024/NĐ-CP, áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách cần triển khai ngay để duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp nếu không triển khai ngay sẽ làm gián đoạn hoạt động tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.
Khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định, trường hợp chủ đầu tư không có nhân sự đáp ứng yêu cầu hoặc không lựa chọn được nhà thầu tư vấn để làm tổ chuyên gia, tổ thẩm định thì có quyền huy động, giao việc cho các nhân sự là các bác sĩ, dược sĩ, cán bộ quản lý hoặc mời các cán bộ thuộc Sở Y tế, Bộ Y tế và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định để thực hiện hoạt động mua sắm.
Ngoài ra, chỉ định thầu cũng được áp dụng đối với trường hợp cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) bao gồm các gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp do nhu cầu đột xuất, không có mặt hàng thay thế và bắt buộc phải sử dụng để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người bệnh và các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế (nếu có).
Chỉ định thầu là hình thức lựa chọn trực tiếp nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu để thương thảo và ký kết hợp đồng. Nhà thầu được lựa chọn có những điều kiện nhất định mà những nhà thầu khác không đáp ứng được. Ưu điểm của việc chỉ định thầu là có thể rút ngắn thời gian và một số thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu.
Thực tế cho thấy thời gian qua, đặc biệt qua đại dịch Covid-19, dù không nhiều nhưng đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là vướng mắc trong thủ tục đấu thầu. Do đó, việc quy định chi tiết các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu như Nghị định sẽ tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong chỉ định thầu cũng như bảo đảm nguồn cung về thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Đồng thời tạo cơ hội rất tốt cho người hành nghề y, cơ sở khám, chữa bệnh, cũng như người bệnh sử dụng các dịch vụ phòng bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, chỉ định thầu nếu không tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ rất dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm. Do đó, đòi hỏi cần có biện pháp để kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hình thức này.
Tạo sự chủ động cho các bệnh viện
Bên cạnh quy định về chỉ định thầu, đối với đấu thầu tập trung, để khắc phục tình trạng trước đây chỉ có một nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc với số lượng lớn, phạm vi giao hàng rộng dẫn đến một số trường hợp nhà thầu không đủ khả năng thực hiện hợp đồng, Nghị định 24/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định cho phép lựa chọn nhiều hơn một nhà thầu trúng thầu để nếu nhà thầu xếp hạng thứ nhất không còn khả năng cung cấp, chủ đầu tư được ký ngay hợp đồng với nhà thầu xếp hạng tiếp theo. Chủ đầu tư được mời thầu theo cách cho phép các nhà thầu được chào số lượng theo khả năng cung cấp của mình mà không nhất thiết phải chào theo đúng số lượng thuốc nêu trong hồ sơ mời thầu.
Trong trường hợp thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng chưa tổ chức đấu thầu hoặc đã đấu thầu nhưng chưa lựa chọn được nhà thầu hoặc thỏa thuận khung đã ký trước đó hết hiệu lực, bệnh viện được mua sắm theo thông báo của đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian tối đa 12 tháng và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo đúng giá hợp đồng.
Trong trường hợp nhà thầu đã trúng thầu nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng không thể tiếp tục cung cấp thuốc thì bệnh viện được phép chỉ định thầu cho nhà thầu khác thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu mà không giới hạn hạn mức chỉ định thầu.
Với quy định này của Nghị định đã tạo sự chủ động, linh hoạt cho các bệnh viện trong việc mua thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Qua đó, sẽ giúp khắc phục được tình trạng thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương.
Liên quan đối với phân cấp đấu thầu thuốc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đấu thầu tập trung là biện pháp hết sức hiệu quả, cần thiết, minh bạch, khách quan để người dân được tiếp cận thuốc mới, tốt, giá rẻ. Do vậy, những loại thuốc sử dụng phổ biến, khối lượng lớn phải đưa vào danh sách đấu thầu tập trung, lựa chọn các nhà sản xuất, doanh nghiệp đủ năng lực, còn những loại thuốc hiếm, đặc trị, chuyên khoa thì phân cấp tối đa cho bệnh viện.
Đấu thầu tập trung hay chỉ định thầu đối với thuốc, vật tư, thiết bị y tế đều phải tuân thủ nghiêm theo quy định pháp luật về đấu thầu. Cùng với đó là cơ chế kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện để tránh sai sót, tiêu cực xảy ra. Bởi mục đích cuối cùng là đáp ứng tốt nhất yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân.