Hỗ trợ góp vốn xoay vòng trong thành viên HTX
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, người dân chủ yếu phát triển nông - lâm nghiệp là chính. Nhờ đó, thông qua chính sách giảm nghèo đã xuất hiện nhiều mô hình HTX hiệu quả, giúp hàng nghìn hộ nghèo thay đổi cách thức sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập cho thành viên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, được xác định là một trong 5 chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa. Để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu cho hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật.
Đồng thời, tranh thủ vận dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hộ nghèo có thêm điều kiện sản xuất. Đặc biệt, giảm nghèo thông qua mô hình HTX đã thấy được vai trò quan trọng của HTX trong việc thúc đẩy kinh tế thành viên phát triển.
Một trong những hoạt động hỗ trợ giảm nghèo bền vững ở Thanh Hóa được các HTX triển khai hiệu quả nhất và thể hiện là công cụ giảm nghèo đó là vấn đề hỗ trợ góp vốn xoay vòng trong thành viên HTX với hình thức xét thành viên khó khăn hỗ trợ cho mượn trước.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang, “thực tế cho thấy, thành viên của các HTX luôn có nhu cầu phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo nhưng lại thiếu vốn và không thể tiếp cận các nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động tín dụng mang tính chất nội bộ trong các HTX ở đây là giải pháp phù hợp nhất”.

Thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân
Tại xã vùng cao Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, bên cạnh mô hình giảm nghèo từ rau, củ, cây trái vụ, xã đã chủ động nhân rộng và đa dạng mô hình trồng các loại cây chất lượng cao trong nhà màng nhằm thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp và xây dựng Minh Sơn (xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc) cho biết, ngoài duy trì sản xuất 150 ha mía nguyên liệu, HTX đã đầu tư xây dựng gần 2500 m2 nhà màng để trồng dưa vàng theo công nghệ cao, với sự hỗ trợ về nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo của tỉnh. Mô hình nhà màng cho phép sản xuất mỗi năm 4 vụ cây trồng, trong đó có 3 vụ dưa vàng và 1 vụ rau, lợi nhuận đạt trên 500 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình, HTX đã đầu tư phát triển thêm 3.000 m2 nhà màng để trồng các loại cây ăn quả và cây đặc sản vùng miền, nhằm tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho các thành viên trong HTX.
Có thể thấy, nhờ có HTX, các hộ nghèo có điều kiện ổn định và nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao chất lượng hàng hóa, thu nhập ổn định cho thành viên.
Với mục tiêu phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị sản xuất bền vững, HTX Xuân Thành (xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân) đã nhận được sự hỗ trợ của địa phương và nhà nước thông qua nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, mô hình sản xuất của HTX đã thu được nhiều thành quả.
Ngoài nguồn vốn góp của 27 thành viên, HTX còn được địa phương hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Với hơn 100 ha diện tích đất sản xuất, trong đó có 25 ha trồng theo hướng VietGAP, đến nay, toàn bộ đã được đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm. Các thành viên có thể chủ động vận hành, sửa chữa hệ thống tưới tiết kiệm, ứng dụng các kỹ thuật ghép cải tạo cây ăn quả theo hướng VietGAP.
Bên cạnh đó, HTX còn mạnh dạn đầu tư kho lạnh bảo quản hoa quả, hệ thống tưới tiêu tự động, máy sấy, máy cắt cỏ… Vì thực hiện theo quy trình VietGAP nên các thành viên thực hiện nghiêm quy định ghi chép nhật ký sản xuất, sản phẩm trái cây của HTX được đánh giá ngon, sạch, an toàn và ngày càng tạo được uy tín trên thị trường. Nhờ sản xuất hiệu quả, doanh thu của HTX ngày một tăng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.