“Chúng tôi sẽ tiếp thu và nghiên cứu sửa đổi”
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh) nêu thực tế, để góp phần giải quyết nạn tín dụng đen đang hoành hành gây bức xúc hiện nay, các đoàn thể đã thành lập các tổ chức tài chính vi mô hỗ trợ vốn cho người lao động tại cơ sở. Tuy nhiên, đến nay, các tổ chức tài chính vi mô gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng Thông tư 03 năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước quy định về cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô do khác biệt với Luật Các tổ chức tín dụng và Quyết định số 20 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời sau đại dịch Covid – 19, nhiều người dân, đặc biệt là nhóm lao động tự do, công nhân, hộ gia đình nghèo có nhu cầu vay vốn rất lớn trong khi đó, các tổ chức tài chính vi mô này lại thiếu vốn trầm trọng. ĐB Trần Thị Diệu Thúy đặt câu hỏi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để xử lý vấn đề này?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, hiện nay trong hệ thống tín dụng có các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân và 4 quỹ tài chính vi mô. "Đúng như đại biểu nêu là khó khăn của quỹ tài chính vi mô là khó huy động nguồn lực để cho vay. Khó khăn này chúng tôi đã tổng hợp để đánh giá rà soát trong quá trình cơ cấu các tổ chức tín dụng nói chung", Thống đốc cho biết.
Thừa nhận những bất cập của Thông tư 03, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, “quỹ tài chính vi mô không được thực hiện dịch vụ thanh toán như các ngân hàng khác nên gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay về dư nợ", do đó, Ngân hàng Nhà nước "sẽ tiếp thu, nghiên cứu khi xây dựng các văn bản sửa đổi”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chấn chỉnh những méo mó, hư hỏng, chứ không phải đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc phát triển tài chính vi mô là nội dung quan trọng của chiến lược tài chính toàn diện. Tài chính vi mô đã hỗ trợ nhiều cho hỗ trợ vốn của các đối tượng yếu thế, và là giải pháp phòng, chống tín dụng đen rất hiệu quả. Cho nên chúng ta phải khuyến khích tạo điều kiện cho phát triển và không gây khó khăn, không phân biệt đối xử. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần rà soát lại Thông tư 03.
Đối với thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, các nhà điều hành đều nói không "siết" lĩnh vực này, nhưng mấy tháng nay vẫn rất èo uột, nhất là nhà đầu tư có tiềm lực huy động vốn để đảo nợ, tiếp tục đầu tư mới là rất khó khăn. Tương tự với thị trường bất động sản cũng vậy. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu "phải thanh tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp “mất bò mới đi lo làm chuồng” là rất dở. Nếu xảy ra trường hợp “mất bò rồi không dám đi làm chuồng, để mất bò tiếp” thì còn dở hơn. Nên sáng nay khi phát biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi có đề nghị, đó là: tất cả các thị trường phải thông suốt, chúng ta phải giám sát, quản lý chặt thị trường đấy, nhưng phải tạo thuận lợi cho thị trường phát triển. Chấn chỉnh những méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải chúng ta đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Chính sách với tài chính, với kinh tế không thể giật cục được mà phải nhất quán, thông suốt", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Rủi ro đối với tín dụng bất động sản là giá trị lớn, kỳ hạn dài
Quan tâm đến thị trường vốn động sản, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt vấn đề, siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến hệ lụy là thị trường đình trệ và người nghèo nhất là người nghèo đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ như mong muốn. Trong khi đó, mục đích quản lý của nhà nước là chống đầu cơ, chống “bong bóng” bất động sản. Thực tế có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Vậy Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp gì để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh?
Cùng quan tâm đến vấn đề này, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nêu câu hỏi, thị trường bất động sản đã, đang và dự báo có thể tiếp tục có biến động, tình trạng nhà đầu tư đầu cơ, đẩy giá đất lên cao bất thường trong cuộc đấu giá gây sốt ảo bất động sản, “bong bóng” giá nhà đất, làm lũng đoạn thị trường. Dòng tiền đầu tư vào kinh doanh bất động sản là rất lớn, trong đó có nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng; Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản bảo đảm của của tổ chức tín dụng, cho vay kinh doanh bất động sản vẫn là hoạt động rủi ro của tổ chức tín dụng. Đại biểu tỉnh Bắc Giang đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để quản lý, kiểm soát hiệu quả nguồn vốn cho vay kinh doanh bất động sản?
Trả lời các câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, thị trường bất động sản bao gồm nhiều chủ thể, thu hút nhiều nguồn đầu tư khác, tín dụng chỉ là một kênh tham gia đầu tư thị trường bất động sản. Nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh, kiểm soát vốn vào thị trường rủi ro. Đối với thị trường bất động sản, các tổ chức tín dụng chỉ cho vay khi khách hàng bảo đảm đủ điều kiện và khả năng trả nợ, nhưng có rủi ro vô cùng quan trọng là rủi ro thanh khoản. Bởi bản chất của thị trường bất động sản là giá trị lớn, kỳ hạn dài. Trong khi đó, tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại ngắn hạn. Nếu các tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được, thì khi khách hàng đến rút tiền lại không đòi được khoản nợ dài hạn. Cho nên, Ngân hàng Nhà nước có quy định kiểm soát rủi ro như vậy. Còn thực hiện cho vay đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản do các tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định, trên cơ sở bảo đảm được an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và của cả hệ thống.
Đối với tình trạng “tăng giá, thổi giá” trên thị trường bất động sản, cũng có liên quan đến khoản vay có tài sản bảo đảm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực tế, các tổ chức tín dụng khi cho vay có tài sản bảo đảm bằng bất động sản và Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo: các tổ chức tín dụng khi đã cho vay tài sản bảo đảm thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản bảo đảm để nhận diện rủi ro. Đối với tổ chức tín dụng cho vay có tài sản bảo đảm là bất động sản mà tài sản ở những địa bàn có giá bất động sản “bong bóng” và rất cao thì các tổ chức tín dụng phải thận trọng, kiểm soát rủi ro đối với những tài sản bảo đảm này.