Tham dự và đồng chủ trì Phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.
Cùng dự có: Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban.
Phát biểu mở đầu Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Luật Điện lực đã được sửa đổi 4 lần, qua đó đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, qua gần 20 năm thi hành, Luật Điện lực cũng bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung để thể chế hoá đầy đủ chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, đáp ứng các mục tiêu đề ra, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật, khắc phục tồn tại, hạn chế của luật hiện hành trong thực tiễn triển khai.
Vì vậy, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Điện lực (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Thời gian qua, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tổ chức nhiều cuộc khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo, làm việc với doanh nghiệp, lấy ý kiến chuyên gia đóng góp ý kiến hoàn thiện. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, các đại biểu tham dự phiên họp cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh; hồ sơ dự án luật; việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong dự thảo luật; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và các nhóm chính sách lớn…
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài trình bày Tờ trình dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật đã bám sát 6 nhóm chính sách được Chính phủ thông qua và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và không bổ sung chính sách mới.
6 nhóm chính sách gồm: Một là, quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Hai là, phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Ba là, hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. Bốn là, quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường. Năm là, quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện. Sáu là, an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Trình bày dự thảo báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định, hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện về số liệu để đảm bảo tính thống nhất. Dự án Luật cơ bản cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng cần tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Tại Phiên họp, các đại biểu bày tỏ sự băn khoăn khi Chính phủ đề nghị thông qua dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tại 1 kỳ họp và đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý, sự cấp thiết phải thông qua dự thảo Luật tại 1 kỳ họp. Có ý kiến đề nghị, đây là dự án luật khó, có tác động đến mọi người dân, đến đời sống KT - XH, do vậy cần được thảo luận kỹ lưỡng, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.