Gs.Ts Phạm Thắng - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: Việt Nam là một trong sốë các nước có tốc độ già hóa rất nhanh, thời gian chuyển từ già hóa dân số sang dân số già ngắn hơn nhiều nước trên thế giới (khoảng 17 - 20 năm). Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ trọng người hơn 65 tuổi đạt 7% tổng dân số, sớm hơn dự báo 6 năm.
Điều đáng lưu tâm là đời sống vật chất của phần lớn người cao tuổi ở nước ta còn nhiều khó khăn; chỉ có khoảng hơn 30% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Người cao tuổi thường coi con cháu mình là chỗ dựa khi về già, nhưng xu hướng quy mô gia đình truyền thống ở Việt Nam đang dần chuyển sang mô hình gia đình hạt nhân, khiến nhiều cụ già trở nên cô đơn hơn, gặp nhiều khó khăn khi phải tự sống một mình.
Nguồn: tuyengiao.vn |
Nâng cao tuổi thọ của con người là ước mơ của toàn xã hội, nhưng hiện nay, do các chính sách thiếu đồng bộ, hạn chế về hệ thống y tế nên công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo Gs.Ts Phạm Thắng: trong quy hoạch phát triển của ngành y tế, ngoại trừ bệnh viện nhi, còn lại các bệnh viện khác đều phải thành lập khoa lão. Tuy nhiên, trên thực tế toàn quốc mới chỉ có một bệnh viện chuyên lão khoa, còn ở tuyến tỉnh mới chỉ có khoảng 30% bệnh viện có khoa lão hoặc lồng ghép khoa lão vào các khoa khác. Hiện cả nước mới có khoảng 80 bác sỹ chuyên về lão khoa và đều công tác ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tại cuộc Hội thảo Chia sẻ kết quả nghiên cứu về vấn đề già hóa dân số và xây dựng bảo hiểm y tế toàn dân do Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cho biết: Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới. Để ứng phó với thực trạng này, Chính phủ Nhật đã bắt đầu xây dựng hệ thống y tế chăm sóc người cao tuổi từ những năm 60 của thế kỷ trước. Với tầm nhìn dài hạn, Chính phủ Nhật cung cấp cho người dân nhiều loại hình chăm sóc sức khỏe đa dạng tới từng địa phương như: hệ thống nhà dưỡng lão đặc biệt, cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, các bệnh viện an dưỡng, các dịch vụ chăm sóc y tế tận nhà… Cùng với việc tăng cường phối hợp, thống nhất giữa các cơ sở y tế, chăm sóc, phòng bệnh, hỗ trợ sinh hoạt nhằm tạo thành một hệ thống chăm sóc bao quát cả khu vực, căn cứ vào đặc trưng của nhóm người cao tuổi mỗi vùng miền để xây dựng hệ thống chăm sóc y tế cho người già sâu sát và phù hợp...
Các chuyên gia y tế - dân số cho rằng, Việt Nam cần tham khảo các mô hình chăm sóc người cao tuổi của các nước như Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc… để hoàn thiện chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Theo đó, việc xây dựng chính sách, chiến lược chăm sóc người cao tuổi mục đích cuối cùng phải đạt 3 tiêu chí: tỷ lệ tàn tật và ốm đau người cao tuổi xuống thấp; các hoạt động chân tay và trí óc của người cao tuổi được phát huy để tăng trưởng kinh tế và người cao tuổi được tích cực tham gia các hoạt động xã hội để xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Để đạt được mục tiêu trên, các chính sách cần đồng bộ, nhanh chóng để ứng phó và thích ứng kịp với một xã hội già hóa.
Gs.Ts Phạm Thắng kiến nghị, cần có chiến lược dài để tăng cường hệ thống an sinh xã hội, mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi... Việc cần làm trước tiên là đưa lão khoa vào danh mục các lĩnh vực ưu tiên; thành lập khoa lão tại các bệnh viện; tăng cường và đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Đồng thời, thành lập bộ môn lão khoa tại các trường đại học y khoa, tăng cường đào tạo bác sỹ, điều dưỡng và người chăm sóc trong lĩnh vực này...
Bên cạnh đó, theo Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Lê Minh Giang, cần tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cả ở cộng đồng, ở nhà với chăm sóc tại các cơ sở của nhà nước và tư nhân; đặc biệt xây dựng và phát triển hệ thống người làm công tác xã hội, các nhà cung cấp dịch vụ lão khoa... dựa trên nhu cầu của từng địa phương.
Những con số đáng lưu tâm - 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất - 62,3% sống khó khăn, thiếu thốn - 27,6% cho rằng kinh tế đang kém đi - 18% sống trong hộ nghèo (tuổi càng cao càng nghèo) - Hơn 30% sống trong nhà kiên cố - Gần 10% sống trong nhà tạm - 35% cảm thấy thất vọng - 33% không biết chia sẻ vui, buồn cùng ai - 22% cảm thấy rất cô đơn Nguồn: Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam |