![]() Nguồn: ITN |
Trung thu xưa không có điện, các gia đình thường thắp đèn bày cỗ trước sân nhà, sau khi cúng xong dưới ánh trăng lung linh, huyền ảo trẻ con háo hức phá cỗ. Đây cũng là dịp các bé được ông bà, bố mẹ tặng những món đồ chơi như đèn ông sao năm cánh, đèn kéo quân hay những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon. Người lớn thì lại quây quần bên tách trà nóng hổi để cùng trò chuyện tâm tình và thưởng trăng. Và với bao người đó còn là góc kỷ niệm về những mùa trăng tròn của thời thơ ấu.
Ngày nay, đời sống đã nhiều đổi thay kéo theo đó nét đẹp văn hóa truyền thống trong Tết Trung thu cũng khác xưa khá nhiều. Mâm cỗ Tết Trung thu ngày nay có nhiều của ngon vật lạ và đắt giá hơn xưa. Múa lân, múa sư tử, múa rồng mỗi ngày mỗi đẹp và hoành tráng thêm. Đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân… nhiều kiểu dáng mới lạ, hiện đại được thắp sáng bằng điện, bằng pin, lung linh rực rỡ hơn thắp bằng đèn cầy, đom đóm xa xưa.
Thế nhưng để tìm lại một không gian và không khí đón trăng giữa thiên nhiên như xưa không dễ. Đặc biệt ở thành phố, với những dãy nhà cao tầng và những sắc màu của các loại đèn màu, đèn chiếu sáng… đã khiến cho ánh trăng rằm bị chìm khuất, thậm chí bị lãng quên. Trẻ con ngày nay cũng có nhiều thú chơi hấp dẫn hơn với những chiếc đèn lồng ông sao, đèn con cá, đèn kéo quân đẹp đẽ, đủ sắc màu. Vậy nhưng, chúng cũng không được chơi trò rước đèn do đất chật, người đông. Sự tích “cây đa chú cuội” cũng dần bị quên lãng do ít được người lớn kể vào những đêm trăng.
Làm thế nào để giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của Tết Trung thu trong xã hội hiện đại là vấn đề cần được quan tâm. Thực tế cho thấy, ở đâu chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm thì nơi đó cái Tết Trung thu sẽ thật sự ý nghĩa. Tỉnh Tuyên Quang là một ví dụ điển hình về việc tổ chức, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Trung thu. Tại đây, việc tổ chức trung thu được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Trước cả tháng, từng khu phố đã lên ý tưởng về mẫu mã chiếc đèn lồng. Cả khối phố sẽ cùng đóng góp tiền và sức để làm. Từ trẻ con đến người lớn đều háo hức tham gia, mỗi người một việc. Đến ngày Rằm tháng Tám, mỗi phường sẽ lựa chọn những chiếc đèn lồng đẹp nhất, độc đáo nhất tham gia diễu hành trong chương trình rước đèn của thành phố. Điều ý nghĩa nhất từ cái Tết Trung thu mọi người trong khối phố có dịp gần gũi, gắn bó với nhau hơn, trẻ con có dịp hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa truyền thống. Đặc biệt, Tết Trung thu ở Tuyên Quang là dịp hội ngộ của những người xa quê - họ sẽ tìm về, đắm mình với không khí Tết Trung thu, với quê hương, với bè bạn...
Bên cạnh đó, mặc dù được tổ chức chưa nhiều, hoặc chưa thật quy củ, nhưng không ít trung tâm văn hóa, bảo tàng cũng đã xây dựng những chương trình riêng về Tết Trung thu để thu hút trẻ em tham gia. Đơn cử như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hàng năm đều có những hoạt động giới thiệu về văn hóa truyền thống vào mỗi dịp Trung thu như: nghệ nhân dân gian trực tiếp hướng dẫn làm đồ chơi Trung thu, nặn tò he, nặn hoa quả bằng bột, làm cốm làng Vòng, làm bánh dẻo, tập cắt tỉa hoa quả, học bày mâm cỗ trung thu, hoạt cảnh vui Tết Trung thu và kể sự tích về Trung thu, chơi các trò chơi dân gian...
Có thể nói, đây chính là những hướng đi giúp cho việc khôi phục một nét đẹp văn hóa truyền thống trong Tết Trung thu cần được nhân rộng. Bởi thực tế, không chỉ thành phố mà ở nhiều vùng quê, nơi có không gian thì việc tổ chức Tết Trung thu chưa thực sự được quan tâm. Để có một cái Tết Trung thu thật sự ý nghĩa cho trẻ em không cần thiết phải có chiếc bánh đắt tiền, hay những món quà giá trị lớn… mà quan trọng nhất là tạo cho con trẻ cơ hội được gắn kết, được vui chơi và hiểu hơn về nét văn hóa truyền thống của cha ông.