- Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững
- Khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra
- Phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thanh Mẫn khai mạc Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV
Tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy
Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta trong năm 2023 thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ĐBQH Bùi Thanh Sơn (Vĩnh Phúc) cho rằng, những kết quả đã đạt được là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự điều hành của Chính phủ trước những “cơn gió ngược”. Nền kinh tế Việt Nam không chỉ trụ được mà còn là điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới. Các doanh nghiệp tại các nước trong cộng đồng quốc tế tin tưởng vào Việt Nam. Theo đại biểu, công tác đối ngoại cũng đã có nhiều đóng góp đối với các thành tích nước ta đạt được.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao trưởng kinh tế quý I.2024 đạt 5,66% cao hơn cùng kỳ năm trước (3,41%). Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn và là tín hiệu của sự phục hồi, thậm chí là sự tăng tốc trong các tháng còn lại của năm 2024. Đặc biệt, kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực là sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý: phân tích, dự báo thu ngân sách chưa sát; nợ đọng thuế còn cao; công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước còn khó khăn, vướng mắc; tổng cầu trong nước dù đã tăng khá hơn nhưng tốc độ tăng vẫn thấp hơn tốc độ tăng GDP; tích lũy tài sản có khá hơn nhưng có một phần không nhỏ còn đầu tư vào tiền ảo, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; tăng trưởng tín dụng thấp đạt khoảng 1,6%, trong đó 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng, đến cuối tháng 2 là 4,92%; tỷ lệ đầu tư/GDP còn cao hơn tỷ lệ tích lũy tài sản/GDP trong khi ngân sách Nhà nước vẫn bội chi - là yếu tố tiềm ẩn nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài.
Ách tắc nguồn lực vì văn bản hướng dẫn chậm
Để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đặt ra cho năm 2024, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị, cần có giải pháp để bình ổn giá thông qua chính sách tài khóa (can thiệp bằng hệ thống thuế và chi tiêu Chính phủ) và chính sách tiền tệ để hạn chế hoặc rút bớt tiền lưu thông trong nền kinh tế; tập trung mở các “nút thắt” để kích thích sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, cần tiết giảm thuế, nhất là thức thu nhập doanh nghiệp, bảo đảm các quan hệ cung cầu, hạn chế đầu mới trung gian, bảo đảm nguồn cung và giá cả hợp lý cho thị trường nhằm bình ổn giá, kiểm soát chặt đà tăng giá tiêu dùng trong thời gian tới.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) lưu ý, quản lý thị trường vàng hiện còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, thị trường vàng có biến động mạnh từ cuối năm 2023 đến những tháng đầu năm 2024. Trong khi đó, việc giá vàng tăng cao sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, cũng như tác động đến lạm phát trong nước. Do vậy, Chính phủ cần triển khai đồng thời nhiều giải pháp để sớm ổn định thị trường vàng, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo báo cáo của Chính phủ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước và phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm có quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 54.511 doanh nghiệp, chiếm 89,6%, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023. Theo ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), những con số này phản ánh môi trường kinh doanh và nền kinh tế đang gặp khó khăn. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Ở góc nhìn khác, ĐBQH Lê Văn Dũng (Quảng Nam) cho rằng, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, tình trạng cán bộ các cấp thiếu nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, tiên phong trong công cuộc cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư… cũng là những trở ngại lớn đối với doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế tư nhân nói chung.
Bên cạnh việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai..., đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Chính phủ có giải pháp thiết thực để cán bộ các cấp phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiên phong trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó, góp phần xây dựng, tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
ĐBQH Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) băn khoăn về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em thời gian qua, tuy có nhiều nỗ lực, nhưng tình hình xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ và nạn nhân.
Năm 2023, toàn quốc xảy ra 2.498 vụ xâm hại trẻ em, với 3.235 đối tượng bị xâm hại và 2.633 trẻ em bị xâm hại. So với năm 2022 tăng 664 vụ, tăng 36,2%, tăng 53,5% về số nạn nhân, trong đó số lượng trẻ em bị xâm hại tăng 38%. Trong các vụ xâm hại với trẻ em thì số vụ xâm hại tình dục chiếm đa số, có những vụ rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
"Trong báo cáo của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các năm 2022, 2023, những tháng đầu năm 2024 đều xác định đây là một vấn đề trọng tâm trong công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em. Nhưng chưa có sự phân tích, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cả các tổ chức, cá nhân, cũng như chưa có giải pháp khả thi để khắc phục”.
Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương phân tích làm rõ nguyên nhân, từ các tổ chức, cá nhân hay thuộc về gia đình, để đề ra hệ thống giải pháp đồng bộ và khả thi.
"Trong công tác bảo vệ trẻ em cần chuyển từ quan điểm “hỗ trợ, can thiệp” sang quan điểm “phòng ngừa chủ động”; chú trọng tuyên truyền bằng những hình thức phù hợp để nâng cao ý thức của cộng đồng, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em… Các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng vào cuộc để xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được vui sống, được học tập, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách", đại biểu đề nghị.