Thu nội địa nằm trong 8 tỉnh cao nhất cả nước
Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Khóa XVII, các đại biểu ghi nhận, đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2023 của tỉnh. Theo đó, sớm nhận định tác động mạnh từ sự suy giảm của kinh tế toàn cầu đến nền kinh tế của tỉnh, nhất là lĩnh vực công nghiệp, ngay từ đầu năm, Vĩnh Phúc đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch. Trong đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, tổ chức; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, phát triển các lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch... Qua đó, kinh tế dần phục hồi và đang trên đà tăng trưởng mạnh: tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước cả năm tăng 2,37%; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 31.218 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 25.998 tỷ đồng (nằm trong top 8 tỉnh thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước).
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư cũng là "điểm sáng" với hàng loạt kế hoạch được ban hành để thực hiện chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài, cùng hành động mạnh mẽ, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong những cuộc xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc. Uớc năm 2023, tỉnh đã thu hút đầu tư đạt hơn 560 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 21% so với năm 2022, đạt 140% kế hoạch; thu hút hơn 21.650 tỷ đồng vốn FDI, tăng 67% so với năm 2022, vượt 4,13 lần so với kế hoạch.
Những con số trên minh chứng cho sự năng động, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy công quyền ở Vĩnh Phúc. Chính điều này đã làm nên thương hiệu “Vĩnh Phúc - điểm đến an toàn, tin cậy” cho doanh nghiệp trong, ngoài nước quyết định “rót vốn” đầu tư. Nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả công tác cải cách hành chính. Theo đó, năm 2022, kết quả chỉ số PAR INDEX của Vĩnh Phúc đạt 87,45 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 4/11 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng chung của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách của cơ quan nhà nước xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Riêng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp nhóm có điểm số cao nhất, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố…
Lĩnh vực dịch vụ du lịch cũng gặt hái được nhiều kết quả với hàng loạt các chương trình, sự kiện để kích cầu du lịch đã được triển khai, như: các hoạt động du lịch Xuân 2023; Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Vĩnh Phúc bốn mùa tình yêu” tại thị trấn Tam Đảo; Vận hành Cổng Thông tin điện tử App du lịch thông minh… Qua đó, lượng khách đến với địa phương tăng rất cao, ước đạt gần 9,3 triệu lượt khách, tăng 13% so với năm 2022; Doanh thu du lịch ước đạt 3.610 tỷ đồng.
Phấn đấu GRDP tăng 7,5 - 8,5%
Tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung phân tích những thuận lợi, khó khăn trong chặng đường phát triển sắp tới. Theo đó, năm 2024, dự báo kinh tế của tỉnh có độ mở lớn, khu vực FDI chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GRDP. Những tác động từ kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của UBND tỉnh là xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Song để hoàn thành mục tiêu phấn đấu, các đại biểu cũng nhất trí lựa chọn kịch bản 1, với mức tăng trưởng GRDP năm 2024 khoảng từ 7,5 - 8,5%.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn, kịch bản 1 dựa trên một số căn cứ như, các dự án FDI được cấp phép trong năm 2022 và năm 2023 trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn, số vốn đăng ký trên 5 triệu USD đi vào hoạt động sẽ từng bước tạo ra giá trị tăng thêm cho khu vực sản xuất công nghiệp của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, dự kiến trong năm 2024 sẽ có thêm 3 KCN đi vào hoạt động là cơ hội rất thuận lợi để tỉnh thu hút các nhà đầu tư đăng ký đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp tại tỉnh. Mặt khác, thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại trong năm 2023 sẽ là cơ hội để giúp các doanh nghiệp của tỉnh có được nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào tốt hơn với giá thành hợp lý. Từ đó, có thể kỳ vọng khu vực công nghiệp sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn cũng cho biết: để đạt được mục tiêu đề ra, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XVII của tỉnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các "điểm nghẽn" để khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Đồng thời, quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế…