Tạp chí JIEM của Trường Đại học Ngoại thương gia nhập Hệ thống chỉ mục trích dẫn Đông Nam Á

Ngày 23.9, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí 2024, đồng thời công bố Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế (Journal of International Economics and Management - JIEM) của nhà trường chính thức gia nhập Hệ thống chỉ mục trích dẫn Đông Nam Á (ASEAN Citation Index - ACI).

ACI là một trong những hệ thống chỉ mục trích dẫn học thuật danh giá hàng đầu khu vực, công nhận những tạp chí có chất lượng nghiên cứu xuất sắc và uy tín học thuật cao. Việc gia nhập ACI đánh dấu một bước tiến lớn của Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế (JIEM) trong việc khẳng định chất lượng và nâng tầm uy tín học thuật trên quy mô quốc tế.

Tại sự kiện cũng chứng kiến việc công bố và trao thỏa thuận liên kết xuất bản giữa Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương với Nhà xuất bản quốc tế Emerald, mở ra cơ hội hợp tác chiến lược trong lĩnh vực xuất bản học thuật.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Tạp chí tiếng Anh Journal of International Economics and Management của Trường Đại học Ngoại thương là tạp chí duy nhất trong lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, trong tổng số 12 tạp chí được gia nhập ACI năm 2024. Cho đến nay, Việt Nam mới có 31 tạp chí có tên trong ACI, trong đó có 4 tạp chí của khối kinh tế.

z5860141991073_e764d9ca2ccebd11b3d21d660efff078.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi lễ

Thứ trưởng khẳng định, đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực không ngừng của Trường Đại học Ngoại thương trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng, Trường Đại học Ngoại thương và Tạp chí JIEM sẽ không bằng lòng với kết quả này mà luôn sẵn sàng, chủ động cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, bởi “vào được ACI đã khó duy trì, phát triển hơn nữa còn khó hơn”. Việc hợp tác với các đối tác quốc tế và nhà xuất bản hàng đầu sẽ giúp tạp chí không chỉ tiếp cận nguồn tri thức tiên tiến mà còn học hỏi quy trình chuyên nghiệp, thúc đẩy sự phát triển bền vững và tạo dựng vị thế vững chắc trên trường quốc tế.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Trường Đại học Ngoại thương và Tạp chí Quản lý và Kinh tế Quốc tế cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, tập trung vào việc thu hút các công trình nghiên cứu chất lượng cao từ các học giả trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, tổ chức các hội thảo và diễn đàn học thuật trong nước và quốc tế để thúc đẩy trao đổi kiến thức và kinh nghiệm. Đầu tư vào công nghệ và quy trình xuất bản tiên tiến để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình phản biện và xuất bản. Đồng thời, phát triển đội ngũ biên tập viên và phản biện có trình độ cao, am hiểu xu hướng nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực quản lý và kinh tế.

z5860141991013_030e0608b920d9703cbef21a68e79682.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc chúc mừng Trường Đại học Ngoại thương nhân sự kiện Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế (JIEM) gia nhập Hệ thống chỉ mục trích dẫn Đông Nam Á

Thứ trưởng khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ấn phẩm khoa học chất lượng cao, góp phần nâng cao vị thế của giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ có kế hoạch, lộ trình cụ thể để hỗ trợ các đơn vị xây dựng tạp chí đạt chuẩn quốc tế, mà hướng tới là WoS/Scopus.

Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, các tạp chí khoa học luôn mang trong mình sứ mệnh cao cả, đó là giới thiệu và lan tỏa những tri thức mới mẻ, những phát hiện đột phá đến với cộng đồng học thuật trong và ngoài nước. Xuất bản khoa học không chỉ đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại mà còn là nền tảng cho việc giảng dạy, nghiên cứu và hoạch định chính sách.

Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, sự phát triển không bền vững và các cuộc cách mạng công nghệ mới.

Chính vì vậy, nhiều năm qua, Trường Đại học Ngoại thương đã không ngừng nỗ lực đầu tư vào việc nâng cao tiềm năng khoa học công nghệ của trường, tìm ra những phương thức mới trong hoạt động khoa học công nghệ của giảng viên và người học, trong đó có Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế.

“Năm 2024 đánh dấu một bước tiến vượt bậc khi Tạp chí đã chính thức được ghi nhận là thành viên của Hệ thống trích dẫn Đông Nam Á (ACI). Đây không chỉ là niềm tự hào của Tạp chí mà còn là một dấu mốc quan trọng cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo, biên tập viên, cộng tác viên, và toàn thể những người đã và đang đồng hành cùng chúng tôi”, PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho hay.

z5860141991119_343de0b639fb84a86da5f2d592394645.jpg
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương

Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương khẳng định, từ khi thành lập đến nay, Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế luôn kiên định với mục tiêu nâng cao chất lượng học thuật, đồng thời thúc đẩy quốc tế hóa và hội nhập sâu rộng với cộng đồng học thuật quốc tế.

Với sự gia nhập của JIEM vào ACI, Tạp chí đã khẳng định được vị thế của mình trong số các tạp chí khoa học chất lượng cao của khu vực và mở ra những cơ hội lớn để tăng cường hợp tác quốc tế.

Điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào các tổ chức quốc tế, thúc đẩy vai trò của mình trên trường quốc tế, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả giáo dục và khoa học.

“Chúng tôi nhận thức rõ rằng, việc gia nhập ACI chỉ là bước khởi đầu. Trong thời gian tới, chúng tôi đặt ra mục tiêu đưa Tạp chí vươn xa hơn, gia nhập các hệ thống uy tín như Scopus và Web of Science. Đây là những thử thách không nhỏ nhưng với quyết tâm cao và chiến lược phát triển bền vững, tôi tin rằng Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế sẽ đạt được những thành tựu quan trọng hơn nữa”, PGS.TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, để thực hiện mục tiêu này, Trường Đại học Ngoại thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như: xây dựng chính sách xuất bản theo tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng mạng lưới cộng tác viên quốc tế, nâng cao chất lượng bài viết, áp dụng công nghệ số trong quản lý và xuất bản… Tất cả nhằm hướng đến xây dựng một nền tảng học thuật thực sự chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập toàn cầu.

Giáo dục

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước
Giáo dục

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước

Ngày 2.4, Viện Đào tạo số và Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi Đánh giá năng lực (HSA) tháng Ba, năm 2025. Theo đó, đến hết tháng Ba năm 2025, kỳ thi đã tổ chức được 2 đợt thi liên tiếp, phục vụ 30.793 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ 99,4% đăng ký của hai đợt thi này.

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Thời sự Quốc hội

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Chiều 1.4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024.

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân
Giáo dục

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân

Sáng 1.4, Viện CFA (Hoa Kỳ) đã trao giấy chứng nhận đối tác cho các chương trình đào tạo Tài chính Doanh nghiệp Chất lượng cao và Tài chính Tiên tiến của Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế của nhà trường.

Chuyên gia đề xuất miễn trách nhiệm hình sự trước rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ
Giáo dục

Chuyên gia đề xuất miễn trách nhiệm hình sự trước rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ

Phát biểu tại hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương đề xuất xem xét quy định miễn trách nhiệm hình sự của tổ chức, cá nhân trước các rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với những điều kiện cụ thể.

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi công thức quy đổi điểm xét tuyển như thế nào?
Giáo dục

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi công thức quy đổi điểm xét tuyển như thế nào?

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết, năm nay, nhà trường áp dụng thêm một tổ hợp mới gồm toán, ngữ văn và một trong các môn lý, hóa, sinh, tin học cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Công thức điểm xét sẽ áp dụng theo quy tắc điểm toán nhân hệ số 3, điểm ngữ văn hệ số 1 và một trong các môn lý, hóa, sinh, tin sẽ có hệ số 2.