Từ những câu chuyện muốn kể...
Trong hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ, mỗi nhà làm phim đều mang trong mình một thế giới quan độc đáo, những câu chuyện muốn kể và cảm xúc muốn truyền tải. Từ đó, mỗi thước phim trở thành một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân, chạm đến trái tim khán giả và để lại những dư âm khó phai.
Đáng chú ý trong số đó, bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” (Children of the mist) đã trở thành đại diện điện ảnh Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023 và giành hàng loạt giải thưởng quốc tế. Tại tọa đàm “Tìm kiếm tiếng nói cá nhân trong điện ảnh” mới đây, đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ:“Tôi thực hiện bộ phim với ý tưởng đầu tiên là làm thế nào lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi thơ và tuổi thơ của một bé gái trên miền núi sẽ biến mất như thế nào. Tôi dùng máy quay ghi lại bước ngoặt ấy. Cách làm của tôi là vừa quay vừa tìm phim của mình. Sau một đợt quay sẽ xem lại phim và được các anh chị cố vấn (sau này là nhà sản xuất của phim) góp ý, rồi lên kế hoạch cho những đợt quay tiếp theo”.
Câu chuyện về hành trình một bé gái trở thành một cô gái được thực hiện với thể loại phim tài liệu trực tiếp. Tự đạo diễn, quay phim, Hà Lệ Diễm cho biết, phim được quay với ý tưởng ban đầu, nhưng không theo kịch bản có sẵn, bởi ngay cả nhân vật cũng không biết mình sẽ ra sao. Vì vậy mà có nhiều thời điểm nữ đạo diễn trẻ cảm thấy bối rối, thậm chí được khuyên dừng lại vì quá mông lung. “Mỗi dự án đều có khó khăn, nhưng nếu không vượt qua thì không thể làm phim được. Trong những lúc như vậy, người làm phim phải thuyết phục được bản thân mình tại sao muốn làm phim và phải tự vượt qua những khó khăn ấy để giữ được ý tưởng của mình và nuôi dưỡng nó. Khi tìm thấy con đường mình muốn đi thì những cánh cửa khác sẽ mở ra” - nữ đạo diễn trẻ nói.
Sở hữu phim ngắn đầu tay “Chuyện của chúng ta” (2014) được trình chiếu tại Liên hoan phim Focus on Asia Fukuoka năm 2016; “Chuyện siêu thị” (Supermarket Affairs, 2022), trình chiếu tại các LHP châu Á Osaka, LHP Palm Springs và LHP Nashville và đã giành một số giải thưởng… đạo diễn Nguyễn Lương Hằng cho rằng, “bất cứ ai khi viết kịch bản, đạo diễn thì đều có nhiều ý tưởng ngay khi bắt đầu làm phim. Nhiều khi chỉ là ý tưởng nho nhỏ và luôn được tích lũy thêm. Chẳng hạn, tôi luôn thích không gian của siêu thị và khi chuyển sang học tập ở Mỹ, tôi thấy siêu thị rộng lớn, có nhiều tiềm năng về hình ảnh, câu chuyện. Tôi cũng luôn muốn làm phim có nhiều màu sắc cảm xúc khác nhau. Đồng thời, muốn kể câu chuyện người Việt nhập cư và khoảng cách giữa các thế hệ phải giải quyết với nhau…”. Kết nối các ý tưởng, đạo diễn chọn kể những câu chuyện trên trong phim của mình.
... tới giữ tiếng nói riêng
Trong quá trình làm phim, dù có quan điểm, góc nhìn riêng, các nhà làm phim cũng luôn phải cân bằng nhiều phía, đặc biệt là giải quyết áp lực về thương mại và thị hiếu khán giả.
Làm phim kể về câu chuyện đặc thù của văn hóa đất nước Việt, có người nước ngoài tham gia, mong muốn phim đến với đông đảo khán giả và tham gia các liên hoan phim quốc tế, đạo diễn Nguyễn Lương Hằng đã nhận nhiều góp ý của các giáo sư ở Mỹ giúp phim dễ hiểu hơn với người nước ngoài. Tuy nhiên, đạo diễn phải đặt ra “ranh giới”, “màng lọc” để thấy điều gì có thể thay đổi để có tính phổ quát hơn, và giá trị nào là quan trọng, cần giữ lại để có được tiếng nói riêng.
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân, người giành giải Phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 74 với “Cu li không bao giờ khóc”, lại cho rằng: “Nếu quá nghĩ đến khán giả vô tình lại hạn chế cách làm phim. Nếu các bộ phim luôn có nhân vật chiều lòng khán giả, thì câu chuyện, phạm vi sáng tác hẹp lại rất nhiều. Bởi vậy, tôi nghĩ đến khán giả nhưng theo chiều hướng khác là làm sao tôn trọng khán giả ở mức cao nhất. Và khi nhà sáng tạo tôn trọng khán giả ở mức cao nhất thì phải thành thật với bản thân, phim không có sự gượng ép”.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh từng làm phim truyện dài “Thưa mẹ con đi” (tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế và giành nhiều giải thưởng); “Bằng chứng vô hình” (phát hành ở hơn 10 quốc gia châu Á, giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22) và “Ngày xưa có một chuyện tình”, ra mắt tháng 11.2024. Anh nhận định: “So với làm phim độc lập, trong quá trình làm phim thương mại, nhà làm phim phải đối diện về sự cân bằng giữa các bên. Do đó, tôi chọn nhà sản xuất tôn trọng nhà sáng tạo. Thực tế, các bên liên quan sẽ có một số ý kiến rất tốt, giúp dự án phát triển, nhưng cũng có ý kiến hơi khác so với cái nhìn ban đầu của đạo diễn. Bởi vậy, cần làm sao để có tiếng nói chung tích cực, và việc xử lý góc nhìn, cách kể điện ảnh vẫn là của đạo diễn…”.
Đặc biệt, với phim thương mại, mỗi bộ phim có đối tượng khán giả riêng. “Là đạo diễn, tôi cần tìm mối liên kết với bộ phim và khán giả cũng thế. Bởi vậy, quá trình làm phim tôi luôn ở trong câu chuyện, nhân vật, không cố gắng làm điều này, điều kia để thu hút khán giả, mà cố gắng mở ra cánh cửa, tạo cầu nối để nhiều người xem đến với bộ phim”, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ.
Tìm kiếm tiếng nói cá nhân là một hành trình dài và đầy thử thách. Nhưng khi đã tìm được con đường riêng, các nhà làm phim sẽ có cơ hội tạo ra những tác phẩm có giá trị, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.