Góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc (HĐDT), Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được ban hành, hoạt động giải trình tại phiên họp HĐDT, Ủy ban của Quốc hội ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tính từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội đã thực hiện 31 phiên giải trình, trong đó có một số phiên giải trình do 2 Ủy ban cùng phối hợp tổ chức. Việc tổ chức các phiên giải trình đã góp phần làm rõ, giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, bức xúc trong đời sống xã hội, những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự, được cử tri và Nhân dân quan tâm; qua đó, nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những bất cập, hạn chế, nhất là về trình tự, thủ tục, bảo đảm yêu cầu đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động giải trình ở HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp HĐDT, Ủy ban của Quốc hội là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thống nhất, đưa công tác giải trình đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động giải trình tại phiên họp của HĐDT, Ủy ban của Quốc hội là một phương thức hoạt động giám sát, không phải là hoạt động của công tác lập pháp. Điều này khác với hoạt động điều trần của nghị viện một số nước. Trong khi đó, dự thảo Nghị quyết này là văn bản hướng dẫn việc thi hành các quy định của các luật có liên quan nên cần phải phù hợp với quy định của các luật. Do vậy, dự thảo Nghị quyết cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng hoạt động giải trình tại phiên họp HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội là một trong các phương thức của hoạt động giám sát, không mở rộng ra hoạt động lập pháp. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết sẽ chuyển nội dung này đến cơ quan soạn thảo để tổng hợp, nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trong thời gian tới.
Về số lượng tối thiểu phiên giải trình HĐDT, Ủy ban của Quốc hội cần phải tổ chức theo chương trình giám sát hằng năm, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, qua báo cáo của các cơ quan của Quốc hội cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, có một số cơ quan quan của Quốc hội đã rất quan tâm và tổ chức các phiên giải trình, nhưng cũng có cơ quan chưa quan tâm đúng mức, chưa tổ chức phiên giải trình nào. Các vấn đề được giải trình chưa bao quát các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội. Do vậy, để có cơ sở pháp lý thực hiện chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, nâng cao kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội, của HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội xin được giữ như dự thảo Nghị quyết là “hằng năm, HĐDT, Ủy ban của Quốc hội tổ chức ít nhất 1 phiên giải trình theo chương trình giám sát” (khoản 2, Điều 6 của dự thảo Nghị quyết).
Cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện quy định trong các luật liên quan về giải trình
Trình bày Báo cáo ý kiến về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết và mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết như được nêu tại Tờ trình số 2873; đồng thời nhấn mạnh thêm một số yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, việc hướng dẫn hoạt động giải trình của HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội cần bảo đảm thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Thứ hai, các hướng dẫn của Nghị quyết phải cụ thể, chi tiết, khả thi, dễ hiểu, dễ thực hiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ ba, trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động giải trình của HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội phải phản ánh đúng bản chất của hoạt động giải trình và thực tiễn hoạt động giải trình thời gian qua; đồng thời, quy trình các bước chuẩn bị, tiến hành, ban hành kết luận phiên giải trình cần khẩn trương, đáp ứng yêu cầu kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội.
Về tính chất của hoạt động giải trình, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Nghị quyết này không phải văn bản quy phạm pháp luật mà là văn bản hướng dẫn có tính chất cẩm nang để hướng dẫn thực hiện thống nhất việc tổ chức hoạt động giải trình của HĐDT, Ủy ban của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết không đặt ra các quy định mới mà cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện quy định trong các luật có liên quan về lựa chọn, quyết định nội dung giải trình, trình tự tổ chức hoạt động giải trình, thực hiện kết luận giải trình, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan… tương tự như Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Nghị quyết này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là văn bản hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp HĐDT, Ủy ban của Quốc hội, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Hoạt động giải trình được thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đối với HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội.
Số lượng tối thiểu phiên giải trình không quy định cụ thể trong Nghị quyết nhưng yêu cầu trong chương trình giám sát hàng năm của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội phải có nội dung giải trình. Số lượng phiên giải trình cụ thể sẽ tùy thuộc vào thực tiễn hoạt động của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội để quyết định. Kết luận của phiên giải trình phải được đưa ra trong phiên giải trình, không kết luận tại phiên họp thêm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan Văn phòng Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Qua đó, cố gắng hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp HĐDT, Ủy ban của Quốc hội trong năm 2023.
Tại phiên họp, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp HĐDT, Ủy ban của Quốc hội.