Lấy thực tiễn khách quan để đo lường kết quả, thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén của Đảng ta
Chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ tập trung vào các nội dung: “Về các dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 Khóa XIII cũng là một điểm mới về hình thức truyền đạt và quán triệt Nghị quyết về các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV”.
Thông thường sau Hội nghị lần thứ 10, chúng ta tiếp thu ý kiến Trung ương để hoàn thiện các văn bản, trên cơ sở đó chuyển cho các cấp để thảo luận tại Đại hội đảng các cấp. Nhưng từ Hội nghị lần thứ 10 đến Hội nghị lần thứ 11, bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh, khó lường, khó định đoán. Ở trong nước, chúng ta làm rất nhiều việc trong thời gian ngắn với yêu cầu cao, nội dung phong phú, mọi việc đều phải kịp thời, nhanh, để triển khai đáp ứng yêu cầu thực tiễn như cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong điều kiện mới; phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn; xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế quốc gia…
Những nội dung này đòi hỏi phải bổ sung, cập nhập hoàn thiện các dự thảo văn kiện mà Hội nghị lần thứ 10 chúng ta chưa kịp bổ sung. Thủ tướng nêu rõ, “đây chính là sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Trung ương, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn khách quan để đo lường kết quả, thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén của Đảng ta”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo các Tiểu ban Văn kiện cập nhập tình hình, đồng thời chúng ta rút gọn lại các văn kiện (ít nhất là 30 - 40%). Như vậy, từ Hội nghị lần thứ 10 đến Hội nghị lần thứ 11, chúng ta thay đổi nhiều về hình thức và nội dung, ngắn gọn hơn, súc tích hơn, thể hiện tính chiến đấu, khả thi, tính xác thực và đặc biệt là thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn”.
Tại Hội nghị lần thứ 11, Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận và đã có 538 lượt ý kiến để hoàn thiện dự thảo các văn kiện. Các ý kiến đều rất thực tiễn, thảo luận rất sôi nổi, tích cực.
Lấy người dân làm trung tâm
Về những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dự thảo báo cáo tiếp tục hoàn thiện con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dựa vào 3 trụ cột chính là: Xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do dân, vì dân, của dân, gần dân, sát dân và hiểu dân; xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN có sự quản lý của Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng và phát huy tinh thần làm chủ của Nhân dân.
Xuyên suốt trong 3 trụ cột nêu trên là lấy người người dân làm trung tâm, vì vậy, Thủ tướng một lần nữa khẳng định: “Chúng ta không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, tăng trưởng nhanh, nhưng phải bền vững”.

Thủ tướng cũng cho biết, chúng ta tiếp tục xây dựng Đảng phải trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bằng các biện pháp mới, tư duy mới; kinh tế là trung tâm, tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, phát triển nhanh, bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…; kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất hiệu quả…
Luôn luôn chủ động về chiến lược, không để bị động
Về những điểm mới trong dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, Thủ tướng lưu ý, bối cảnh hiện nay đan xen giữa thời cơ và thuận lợi và khó khăn, thách thức, phải xác định khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn. Như vậy, mới chuẩn bị được tâm thế luôn luôn chủ động về chiến lược, không để bị động, bất ngờ về chiến lược.
Mặt khác, với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển trí tuệ nhân tạo thì phải thích ứng, đáp ứng được yêu cầu về phát triển trí tuệ nhân tạo, song không được để thua trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng cũng nêu quan điểm chỉ đạo là tiếp tục phát huy đại đoàn kết đại dân tộc và làm mới để phù hợp với tình hình; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi vai trò lãnh đạo của Đảng mang tính chất quyết định, sức mạnh là từ nhân dân, nhân dân làm nên lịch sử. Đặc biệt, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, đặc biệt là sức sản xuất mới là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo; tháo gỡ thể chế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực của xã hội cho sự phát triển, xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để phát triển nền kinh tế quốc gia. Mục tiêu phát triển xác định rõ 3 nội dung: ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; ổn định môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển nhanh và bền vững; hạnh phúc, ấm no của người dân phải được tăng cường, người dân phải được hưởng thụ thành quả của sự nghiệp đổi mới.
Về chỉ tiêu 5 năm giai đoạn 2026 - 2030, Thủ tướng cho biết, chỉ tiêu lớn nhất được điều chỉnh lại là phấn đấu tăng trưởng đạt mức hai con số; và phải có các giải pháp về nhận thức, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa…