Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi Luật Tần số vô tuyến điện được thông qua đến nay, hệ thống pháp luật đã có nhiều thay đổi, nhiều luật mới có liên quan đến nội dung của Luật Tần số vô tuyến điện đã được ban hành, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Phí và lệ phí năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Đầu tư năm 2020, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Do đó, một số quy định của Luật Tần số vô tuyến điện cũng cần sửa đổi để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tại hội thảo, đa số đại biểu cho rằng dự thảo Luật cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện phù hợp với tình hình thực tiễn. Các đại biểu đã tập trung trao đổi về phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (đấu giá, cấp trực tiếp, thi tuyển); các điều kiện “Cấp lại giấy phép sử dụng băng tần”; có cung cấp trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương hay không; điều khoản chuyển tiếp liên quan đến thời điểm hết hạn của một số giấy phép băng tần số đã cấp không kết thúc cùng thời điểm.
Một số ý kiến cho rằng, các quy định về quy hoạch, cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện đã bộc lộ các vấn đề hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể: Nội hàm của Quy hoạch băng tần chưa bao gồm quy định về giới hạn tốc độ băng tần mà một tổ chức được phép sử dụng để bảo đảm băng tần được sử dụng hợp lý, hiệu quả, thúc đẩy cạnh tranh, phát triển kinh tế. Các phương thức cấp phép sử dụng tần số cần quy định linh hoạt, đồng thời làm rõ đấu giá hay thi tuyển được ưu tiên áp dụng.
Về cơ chế đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sau khi giấy phép hết hạn sử dụng hiện chưa phù hợp để thúc đẩy phát triển hạ tầng số, các đại biểu cho rằng, cần quy định mang tính mở hơn, cho phép doanh nghiệp có cơ hội được cấp lại giấy phép để tiếp tục sử dụng băng tần sau khi giấy phép hết thời hạn nhưng cũng không hạn chế quyền thu hồi tần số của cơ quan Nhà nước khi cần thực hiện mục tiêu mới về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Để khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và để thống nhất giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phí và lệ phí, Luật Tần số vô tuyến điện phù hợp với thông lệ quốc tế thì cần bổ sung quy định về khoản thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đối tượng phải nộp và giao Chính phủ quy định tiết về mức thu, phương thức thu để phản ánh giá trị kinh tế của phổ tần số vô tuyến điện đối với băng tần, kênh tần số có thể mang giá trị kinh tế cao, đồng thời làm rõ nội hàm khoản phí sử dụng tần số vô tuyến điện để không bao gồm giá trị kinh tế của phổ tần số vô tuyến điện.
Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tính an toàn, không can nhiễu và chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện, kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn ghi nhận các ý kiến đóng góp thẳng thắn, cởi mở của các đại biểu, chuyên gia; khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.