Tiếng nói của trẻ em được lắng nghe và triển khai ngày càng tốt hơn
Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ VII diễn ra từ ngày 5.8 – 8.8.2023, tại Thủ đô Hà Nội. Tại diễn đàn nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến trẻ em đã được đưa ra thảo luận, trao đổi như: Trẻ em tham gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Trẻ em tham gia phòng, chống, giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; Trẻ em tham gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Trẻ em tham gia phòng, chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai; Trẻ em tham gia phòng, chống trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, với trách nhiệm được Chính phủ giao, Bộ sẽ tiếp tục tập hợp các ý kiến, thông điệp, khuyến nghị của trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia và Diễn đàn trẻ em các địa phương để cùng với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan xem xét, giải quyết. Bộ trưởng cho biết, những năm gần đây, số lượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giảm, số trẻ em tử vong do đuối nước cũng giảm. Tiếng nói của các em thông qua Tổng đài 111, qua tổ chức đoàn, đội được lắng nghe và triển khai ngày càng tốt hơn. Trong những năm qua, lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội luôn luôn quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn quyền trẻ em ở Việt Nam, tạo lập môi trường sống an toàn, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các em tại diễn đàn này sẽ được xem xét, tiếp thu, cập nhật trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án liên quan tới trẻ em.
Tham dự Diễn đàn, các em đặt nhiều câu hỏi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về các vấn đề trẻ em quan tâm, như tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội ghi nhận nói lên tiếng nói của trẻ em ở địa phương như thế nào; làm thế nào để ngăn chặn bạo lực trên môi trường mạng; các giải pháp hỗ trợ tâm lý trẻ khi bị bạo lực, xâm hại...
Liên quan đến vấn đề trẻ em quan tâm, theo Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy, hiện nay có nhiều kênh để nắm thông tin, trong trường học có tổ chức Đội đó là kênh gần gũi, về nhà có gia đình, bố mẹ, bên đó là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, internet. Để nắm bắt thông tin hiệu quả nhất, tổ chức Đoàn, Đội cần thực hiện tốt hơn chức năng của mình. Bên cạnh đó, các em cần thực hiện tốt quyền nói lên tiếng nói của mình để việc thông tin được xuyên suốt, nhanh chóng, chính xác
Công tác trẻ em là nhiệm vụ lớn lao và hệ trọng
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, vượt khó, vươn lên của các cháu thiếu niên, nhi đồng và kỳ vọng nhiều vào thế hệ trẻ. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước, gia đình và xã hội luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho các cháu bằng cách hiện thực hóa thành những chính sách lớn về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, y tế, tạo lập môi trường để trẻ em không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại.
Lắng nghe trẻ em bằng trái tim và sự thấu hiểu. Công tác trẻ em là nhiệm vụ vô cùng lớn lao và hệ trọng, phải thực hiện thường xuyên liên tục, bền bỉ, lâu dài từ những việc làm cụ thể. Và người lớn phải là những tấm gương nêu gương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà
Đánh giá cao nhiều địa phương đã tổ chức diễn đàn để lắng nghe ý kiến của trẻ em, Phó Thủ tướng cho rằng, để tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể trung ương và địa phương, đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục lắng nghe thêm, tiếp tục xem xét và đáp ứng nguyện vọng của trẻ em.
Nhấn mạnh việc chăm lo cho trẻ em, thực hiện Luật Trẻ em là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ này cần thực hiện một cách nghiêm túc. Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường sự phối hợp của 3 nhân tố: gia đình, nhà trường và xã hội để dành tình cảm và những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, trong đó chú trọng việc dạy học, bồi dưỡng kiến thức, chương trình giáo dục phải bảo đảm đầy đủ: văn, thể, mỹ, bồi dưỡng kỹ năng sống cho các em để các em có đủ kiến thức trước những vấn đề về xâm hại, đuối nước... Xây dựng những quy tắc ứng xử văn hóa, an toàn trên môi trường mạng, có giải pháp ngăn chặn những nội dung xấu độc không phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Cần tạo nhiều diễn đàn để thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em.
“Mỗi gia đình, các cấp các ngành và toàn xã hội với trách nhiệm, tình thương yêu cần tiếp tục có nhiều hoạt động tích cực hơn nữa chăm lo cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Phải làm sao giữ gìn gia đình là tế bào của xã hội, gia đình luôn là môi trường hạnh phúc tràn ngập tình yêu thương. Chăm lo cho các cháu thiếu niên nhi đồng, nhất là các cháu có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa, hải đảo để tất cả trẻ em đều được quan tâm, phát triển toàn diện, được sống trong tình thương yêu, môi trường sống an toàn và lành mạnh” – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.