Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 60 điểm cầu Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương.
Bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương nhấn mạnh: Quá trình tham gia, nghiên cứu dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận thấy một số quy định trong dự thảo luật cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện bình đẳng giới và bảo đảm cho lao động nữ thực hiện quyền lợi của mình. Việc lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử về giới trong mọi lĩnh vực; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế với cam kết thúc đẩy, thực hiện các nguyên tắc, quyền bình đẳng của người lao động tại nơi làm việc.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương mong muốn tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, có ý kiến đóng góp vào các nội dung liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền của lao động nữ. Đồng thời, mong rằng những ý kiến của đại biểu thật sự chất lượng, bảo đảm tính thiết thực, trọng tâm, trọng điểm, là cơ sở để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất với Quốc hội ban hành các chính sách phù hợp đối với lao động nữ trong thời gian tới.
Trình bày ý kiến của Ban Nữ công vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Trưởng ban nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thu Phương đề xuất 6 vấn đề. Theo đó, bổ sung quy định “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” vào Khoản 11 Điều 11 để bảo đảm cho lao động nữ có cơ hội phát triển bản thân; trao quyền cho tổ chức công đoàn trong chủ động thực hiện giám sát, đồng thời bổ sung, sửa đổi các hình thức giám sát, quyền của tổ chức công đoàn trong hoạt động giám sát; Khoản 6, Điều 21, bổ sung quy định người lao động được công đoàn tư vấn, hỗ trợ xây dựng đời sống gia đình, nuôi dạy, chăm sóc con theo đúng chức năng, nhiệm vụ tổ chức công đoàn hiện đang thực hiện; bổ sung quy định tại Điều 26 Bảo đảm về tổ chức, cán bộ theo hướng: cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ…
Duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã tham gia ý kiến về nội dung kinh phí công đoàn. PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm, Đại học Luật Hà Nội đề xuất: Duy trì quy định về nguồn thu 2% kinh phí công đoàn và dành một mục quy định về chi cho các hoạt động về giới, bình đẳng giới trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Bởi việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy bình đẳng giới; tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức công đoàn bố trí cán bộ thực hiện các nội dung liên quan về bình đẳng giới. Đồng thời, quy định này tạo điều kiện về tài chính để công đoàn có thể thực hiện các quyền lợi cho lao động nữ, bảo đảm chức năng, nhiệm vụ của công đoàn như: chăm lo cho lao động nữ, con công nhân, viên chức, lao động nhân các ngày kỷ niệm... tổ chức tọa đàm, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình…
Cùng với đó, đại biểu đề xuất mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh, để Công đoàn có thể bảo vệ quyền lợi cho người lao động ở cả khu vực chính thức và khu vực phi chính thức - khu vực có nhiều lao động nữ; công đoàn tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chế độ, chính sách, pháp luật khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động…
Cũng tại hội thảo, đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng kiến nghị, về tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bổ sung nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, các chính sách pháp luật áp dụng đối với lao động nữ như thai sản, quấy rối tình dục… Đối với nội dung bảo đảm cho cán bộ công đoàn, bổ sung quy định “Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới” để thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019; về quyền và trách nhiệm của công đoàn, đề nghị bổ sung thêm nội dung thương lượng các chính sách có lợi hơn so với quy định của pháp luật đối với lao động nữ…
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương khẳng định: Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến thiết thực, trách nhiệm, sâu sắc, có tính thực tiễn cao của các chuyên gia, cán bộ công đoàn các cấp liên quan đến các chính sách bình đẳng giới và quyền lao động nữ. Trên cơ sở đó, đề nghị Ban nữ công Tổng Liên đoàn tổng hợp đầy đủ các đề xuất, báo cáo với Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để có nghiên cứu, tiếp thu vào Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).