Phát triển thị trường lao động phù hợp với hoàn cảnh mới
Theo các chuyên gia, hiện nay, thế giới đang bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với bản chất là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số.
Theo đó, phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, với nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao đến những việc làm với trình độ phổ thông.
Tuy nhiên, hiện nay do thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số; chưa có quy định, chế tài bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như xử lý cụ thể đối với các hành vi giao dịch việc làm trên môi trường điện tử… Từ đó, làm ảnh hưởng đến tình hình lao động việc làm.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Cụ thể, năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2038 số người cao tuổi sẽ chiếm 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%.
Hiện nay, người cao tuổi tìm được công việc phù hợp không dễ dàng, trong khi các quy định về lao động cao tuổi ở Việt Nam vẫn khá hạn chế, ảnh hưởng quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi.
Cùng với đó, Việt Nam ngày càng hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chủ động tham gia tích cực vào quá trình phân công lao động quốc tế, thị trường lao động biến động liên tục, thường xuyên … Do đó, thị trường lao động, việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, suy thoái, kinh tế, chuyển đổi năng lượng hay dịch bệnh, như đại dịch Covid-19 vừa qua, nên đòi hỏi phải có các chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động và người sử dụng lao động.
Hỗ trợ việc làm theo hướng bền vững
Trước thực tế trên, cơ quan soạn thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cho rằng, cần phát huy khả năng, kinh nghiệm của người lao động. Trong đó, có người cao tuổi tham gia lao động phù hợp với khả năng, nguyện vọng và sức khoẻ.
Đồng thời, tăng tính chủ động, linh hoạt trong ứng phó với những tình huống bất khả kháng gây tác động xấu đến thị trường lao động, làm ảnh hưởng đến tình hình lao động, việc làm...Luật Việc làm (sửa đổi) cần bổ sung quy định về hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động là người cao tuổi được quy định ở khoản 1, Điều 17 và quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động nhằm thích ứng bối cảnh già hoá dân số được quy định ở khoản 2, Điều 17.
Cùng với đó, Luật Việc làm (sửa đổi) cần bổ sung đối tượng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định ở khoản 2, Điều 18 và bổ sung quy định khung về chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh được quy định ở Điều 19.

Với việc sửa đổi, bổ sung các điều, khoản trên trong Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ góp phần thúc đẩy hỗ trợ tạo việc làm theo hướng bền vững cho người lao động, nhất là lao động người cao tuổi, một số nhóm đối tượng đặc thù, góp phần ổn định phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội.
Trong khi, đối với người sử dụng lao động sẽ có cơ hội tìm kiếm và tuyển dụng nguồn lao động chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. Còn với người lao động là người cao tuổi được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, được giảm các chi phí liên quan đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm.
Các đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án; trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng được giảm chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng- được Nhà nước hỗ trợ.
Việc sửa đổi, bổ sung các điều, khoản trên trong Luật Việc làm (sửa đổi) cũng nhằm bảo đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước và phù hợp, thống nhất với các luật hiện hành, cụ thể: Bộ luật Lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Thanh niên, Luật Người cao tuổi, Luật Nghĩa vụ quân sự...