Bám sát chức năng, nhiệm vụ được Quốc hội giao và nhiệm vụ chính trị của tỉnh, năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều đổi mới trong hoạt động, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cử tri. Nhiều ý kiến chuyên sâu, chất lượng của các ĐBQH tỉnh tại nghị trường đã góp sức cùng Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; khơi thông các “điểm nghẽn” về thể chế để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Chú trọng tham vấn ý kiến trong xây dựng pháp luật
Năm 2024 là năm Quốc hội thực hiện hoạt động lập pháp với khối lượng công việc lớn nhất từ trước tới nay. Theo đó, công tác lập pháp cũng trở thành ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ngoài việc các ĐBQH chủ động nghiên cứu các dự án luật, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn chú trọng tham vấn ý kiến từ các tổ chức, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, đặc biệt đối với các dự án luật chuyên ngành; các dự án luật có phạm vi ảnh hưởng rộng và nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tổ chức khảo sát thực tế, kết hợp lấy ý kiến cử tri góp ý vào các dự án luật thông qua các hội nghị TXCT để làm rõ thêm các vấn đề liên quan. Điển hình như tổ chức 2 hội nghị lấy ý kiến đối với dự án Luật Đường bộ, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn); phối hợp tổ chức 4 cuộc TXCT theo chuyên đề với các nội dung lấy ý kiến về dự án luật…
Qua tham vấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã thu thập được nhiều ý kiến chất lượng có tính phản biện chuyên sâu, làm cơ sở để các ĐBQH nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến tại các kỳ họp của Quốc hội. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải khẳng định, thực hiện tham vấn trong hoạt động lập pháp là việc làm có ý nghĩa thiết thực và tầm quan trọng rất lớn nhằm tăng tính thực tiễn, dự báo, giúp các chính sách ban hành được khả thi, toàn diện, bám sát thực tiễn. Thời gian qua, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thường xuyên đổi mới quy trình, đa dạng hóa cách thức tham vấn để có thể tiếp nhận được nhiều hơn những ý kiến chất lượng, đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Nhờ chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với trách nhiệm cao nhất của người đại biểu dân cử, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tích cực, chủ động phát biểu ở tất cả các phiên thảo luận về các dự án luật, nghị quyết với nhiều nội dung xác đáng, thực tiễn. Nhiều ý kiến chuyên sâu, chất lượng của các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tại nghị trường đã góp sức cùng Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; khơi thông các “điểm nghẽn” về thể chế để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Gắn bó mật thiết với cử tri và nhân dân
Bên cạnh hoạt động lập pháp, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa luôn coi giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Giám sát phải “đúng” và “trúng” những vấn đề bất cập trong thực tiễn trên tinh thần xây dựng vì mục tiêu kiến tạo phát triển. Theo đó, trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát với 4 chuyên đề, trong đó Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm giai đoạn 2020 - 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” với nhiều kiến nghị thiết thực, vì lợi ích của người lao động đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của đông đảo cử tri.
Cùng với đó, với phương châm “gắn bó mật thiết với nhân dân”, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thường xuyên đi cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tế để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri, đặc biệt là những vấn đề dân sinh bức xúc. Năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 34 cuộc TXCT định kỳ trước và sau các Kỳ họp thứ Bảy, thứ Tám với trên 6.000 cử tri tham gia. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên cho biết, các đại biểu không chỉ tiếp xúc ở khu vực ứng cử mà còn tiếp xúc ở những nơi không ứng cử, đồng thời, tổ chức tiếp xúc với cử tri ở một số ngành, lĩnh vực; tiếp xúc theo chuyên đề... Đây là cách để các ĐBQH lắng nghe được nhiều hơn, sâu hơn ý kiến, kiến nghị của cử tri để có thể chuyển tải đầy đủ, sát thực đến nghị trường Quốc hội.
2025 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; năm cuối thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và cũng là năm cuối của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục chú trọng tham vấn, lấy ý kiến vào các dự thảo luật theo hướng coi trọng lấy ý kiến theo ngành, lĩnh vực, lấy ý kiến chuyên gia, các địa phương. Tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức TXCT theo hướng vừa làm tốt TXCT theo địa bàn ứng cử, đồng thời, đổi địa bàn TXCT của các đại biểu; vừa xây dựng kế hoạch TXCT theo chuyên đề, theo lĩnh vực. Cùng với đó, các ĐBQH tỉnh phải theo đuổi với trách nhiệm cao nhất đối với các kiến nghị, ý kiến của cử tri; đồng thời, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và theo dõi việc giải quyết.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lại Thế Nguyên cũng khẳng định, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc tiếp dân của các ĐBQH theo lịch hàng tháng để lắng nghe và góp phần giải quyết khiếu nại của công dân trên địa bàn.