Buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp
Những tháng cuối năm 2024, nhất là dịp gần kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp hơn với các mặt hàng nhập lậu từ Campuchia, trong đó có mặt hàng thuốc lá.
Đáng chú ý, có nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu với số lượng lớn đã bị phát hiện và xử lý. Ngày 30.9.2024, Công an huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An bắt quả tang một chiếc xe tải vận chuyển hơn 60.000 bao thuốc lá ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Ngày 19.11.2024, Công an tỉnh Tây Ninh phát hiện, bắt giữ nhóm đối tượng trong đường dây vận chuyển thuốc lá lậu từ Campuchia vào Việt Nam, thu giữ 50.000 gói thuốc lá các loại. Đây là vụ vận chuyển thuốc lá lậu lớn nhất mà Công an tỉnh Tây Ninh triệt xóa. Cách đây chưa lâu, ngày 21.1.2025, Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) vừa bắt một vụ vận chuyển hơn 48.000 gói thuốc lá lậu...

Thuốc lá lậu không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tăng rủi ro sức khỏe cho người dân vì thuốc lá lậu không được kiểm soát chất lượng cũng như không tuân thủ bất kỳ một tiêu chuẩn nào về hàm lượng tar, nicotine cũng như các chất cấm không được dùng trong sản phẩm thuốc lá điếu.
Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu thuốc lá qua biên giới còn gây thất thu ngân sách. Việc lưu hành và buôn bán thuốc lá lậu trái phép tạo nên một hệ lụy xấu và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Đánh giá kỹ tác động để có chính sách phù hợp
Đồng tình với việc tăng thuế đối với thuốc lá nhằm góp phần giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá trong thời gian tới, song nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc mức tăng và lộ trình tăng cho phù hợp.
Trước tình hình buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp, từ góc độ của lực lượng trực tiếp đấu tranh với thuốc lá lậu, Thượng tá Lê Thiện Thành, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn Điều tra, Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đề nghị, lộ trình tăng thuế nên giãn ra để lực lượng Bộ đội Biên phòng và các cơ quan quản lý thị trường có thêm thời gian để chuẩn bị kế hoạch và lực lượng nhằm ứng phó hiệu quả với việc buôn thuốc lá lậu tăng cao do thuế tăng.

Thảo luận về vấn đề tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá tại dự thảo Luật này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) nhấn mạnh lộ trình và mức tăng thuế cần căn cứ vào tình hình thực tế của ngành sản xuất, chuỗi cung ứng nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng. Đối với sản phẩm thuốc lá điếu, đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối cộng thêm áp dụng cả 2 phương án do Chính phủ trình đều là 10.000 đồng một bao, như vậy mức thuế TTĐB sẽ tăng thêm khoảng 42% ở phương án 1 và hơn 100% ở phương án 2. Việc tăng thuế đột ngột vào năm 2026 có thể làm giá bán sản phẩm tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng không thể giảm ngay với thời gian tăng thuế.
“Việc tăng thuế đột ngột như trên có nguy cơ dẫn đến tình trạng nhập lậu, trốn thuế gia tăng. Hệ lụy của việc thuế tăng cao có thể ảnh hưởng đến sản xuất giảm, vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động, người nông dân có hoạt động liên quan đến ngành sản xuất thuốc lá, ảnh hưởng đến an ninh biên giới, thu ngân sách giảm”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh phân tích.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, với 2 phương án tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá điếu như dự thảo là quá cao và liên tục tăng trong thời gian 5 năm cần được đánh giá tác động thận trọng ở nhiều giác độ kinh tế - xã hội, an ninh để xem xét lại mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và lộ trình để đạt được tỷ lệ thuế thích hợp hơn vào năm 2030. Điều chỉnh tăng thuế một cách hợp lý, kết hợp với tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá , cấm quảng cáo thuốc lá, cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cấm trẻ vị thành niên hút thuốc lá, tăng cường các biện pháp chống buôn lậu thuốc lá thì việc hạn chế hút thuốc lá mới thực sự đạt hiệu quả,
Nhấn mạnh đạo luật thuế tác động rất lớn đối với người dân và doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, không nên coi thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ duy nhất, hay là công cụ quan trọng nhất để chúng ta giải quyết được những vấn đề liên quan đến sức khỏe, môi trường, nhấn mạnh điều này.
Để bảo đảm tính khả thi và phù hợp, tăng thuế đối với thuốc lá, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị, cân nhắc lại lộ trình cho hợp lý để chúng ta vừa thu được ngân sách, vừa bảo đảm cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động, vừa không ảnh hưởng đến người dân làm trong lĩnh vực nông nghiệp và đặc biệt tránh kích thích cho buôn lậu, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Trước đó, tại Tọa đàm “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - những vấn đề đặt ra”, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đề xuất, phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần. Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường.
Theo dự thảo Luật, Chính phủ đề xuất phương án bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với các mặt hàng thuốc lá theo 2 phương án. Phương án 1, áp dụng mức thuế tuyệt đối đối với thuốc lá điếu cụ thể như sau. Từ năm 2026: 2.000 đồng/bao; từ năm 2027: 4.000 đồng/bao; từ năm 2028: 6.000 đồng/bao; từ năm 2029: 8.000 đồng/bao; từ năm 2030: 10.000 đồng/bao. Phương án 2, Chính phủ đề xuất, từ năm 2026: 5.000 đồng/bao, từ năm 2027: 6.000 đồng/bao, từ năm 2028: 7.000 đồng/bao; từ năm 2029: 8.000 đồng/bao; từ năm 2030: 10.000 đồng/bao.