Tại dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, những ngày đầu năm Ất Tỵ, Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm, động viên và giao nhiệm vụ “phải hoàn thành thông tuyến vào cuối năm 2025”. Khối lượng công việc còn rất lớn, nhưng với sự đồng lòng từ Ban điều hành đến từng công nhân trên công trường, tất cả đang nỗ lực không kể ngày đêm, vượt qua thử thách thời tiết, địa chất để đưa dự án về đích đúng cam kết, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của quốc gia.
Thông nhánh phải hầm số 3, đường găng của cao tốc Bắc - Nam
Đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 88km, trên tuyến có 3 hầm xuyên núi. Hiện nay, hầm số 1, hầm số 2 đã hoàn thành phần xây dựng, đang triển khai lắp đặt thiết bị cơ điện và hệ thống điều khiển giao thông thông minh (ITS).

Hầm số 3 dài hơn 3.200m, ngày 28.4 đã chính thức được đào thông nhánh hầm Phải (hướng Bắc - Nam), vượt tiến độ 6 tháng. Theo Ban điều hành dự án, sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng, tháo gỡ một trong những nút thắt lớn nhất về tiến độ của cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn nói riêng và toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam nói chung.
Ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trong quá trình thi công đã gặp đới địa chất yếu, thay đổi nhiều so với hồ sơ thiết kế ban đầu của chủ đầu tư, ảnh hưởng lớn tới tốc độ đào. Cụ thể, đới địa chất yếu là lớp đá cấp IV, cường độ dưới 25Mpa, gần như là đất. Với địa chất bình thường, mỗi ngày sẽ đào được khoảng 6 - 10m, tuy nhiên gặp địa chất yếu nên chỉ đào được 1 - 3m/ngày.

Theo ông Ngọ Trường Nam, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, áp dụng phương pháp đào hầm NATM hệ Đèo Cả, chia nhỏ tiết diện nổ mìn thành nhiều gương nhỏ nhằm giảm rung chấn, hạn chế rủi ro và tổ chức thi công linh hoạt để kiểm soát tiến độ. Song song đó, công tác quan trắc được tăng cường, theo dõi sát các thông số biến dạng, chuyển vị của các kết cấu. Các mốc kỹ thuật cũng được rà soát, kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo độ chính xác tuyệt đối.
“Đây là kỹ thuật thi công hầm do đội ngũ kỹ sư của Đèo Cả nghiên cứu, cải tiến qua thực tiễn từ các dự án hầm lớn như Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân và đã áp dụng tại hầm số 1, hầm số 2 của dự án, nhờ đó thông hầm sớm trước tiến độ yêu cầu”, ông Ngọ Trường Nam nói và cho biết thêm, trong điều kiện thi công xa nguồn nước mà công tác đào hầm lại đòi hỏi lượng nước lớn, đơn vị đã triển khai hệ thống tuần hoàn nước: thu hồi, xử lý và tái sử dụng tới 95% lượng nước. Giải pháp này không chỉ giúp duy trì tiến độ thi công liên tục mà còn tiết kiệm nguồn tài nguyên nước ngầm, góp phần bảo vệ môi trường.
Sau khi đào thông nhánh hầm phải, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục thi công đào mở rộng, hạ nền, bê tông vỏ hầm… Đối với nhánh hầm trái, dự kiến được đào thông trong tháng 6, hoàn thành vỏ bê tông 2 ống hầm trong tháng 10 và hoàn thành lắp đặt thiết bị cuối tháng 12.2025.

Công trường duy trì thi công liên tục, kể cả kỳ nghỉ lễ 30.4 để tranh thủ tối đa thời gian. “Đây là thời điểm quan trọng. Ban điều hành luôn động viên tinh thần anh em kỹ sư, công nhân cố gắng bám công trường, cùng nhau nỗ lực để đạt mục tiêu thông tuyến đúng kế hoạch”, ông Ngọ Trường Nam chia sẻ.
Tham dự sự kiện thông nhánh Phải hầm 3 và động viên người lao động, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã ghi nhận và biểu dương tinh thần làm việc kiên trì, nỗ lực vượt khó của tập thể kỹ sư, công nhân tại công trường. Ban điều hành đã tích cực phối hợp với Ban QLDA 2 và chính quyền địa phương để thúc đẩy, từng bước giải quyết các vướng mắc.
“Việc thông hầm đúng tiến độ vào dịp 30.4 mang ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự chung sức chung lòng của cả tập thể. Đây chính là tiền đề quan trọng để toàn tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cán đích vào cuối năm nay theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Tập đoàn Đèo Cả cũng chỉ đạo Ban Tổng Giám đốc rà soát mô hình tổng thầu đã triển khai tại dự án, đánh giá năng lực cán bộ, công nhân trên công trường và tổng hợp các bài học kinh nghiệm thực tiễn trong thi công cầu, hầm, đường, xử lý địa chất phức tạp… để biên soạn thành sách đào tạo “kỹ sư thực chiến” và “công nhân thực hành”. Bộ cẩm nang này sẽ được tích hợp vào chương trình đào tạo nội bộ của Tập đoàn, giúp công nhân rèn luyện tay nghề, kỹ sư tích lũy kinh nghiệm thực chiến.
Đặc biệt, ấn phẩm sẽ được tặng các Trường Đại học, Cao đẳng làm tài liệu, bên cạnh đó là mở rộng đào tạo cho cả đội ngũ công nhân, kỹ sư của các doanh nghiệp đối tác, nhà thầu phụ nhằm định hướng phát triển mô hình PPP ++ với mục tiêu liên tục nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp đầu tư tham gia vào mô hình tích hợp khi thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trước nhu cầu “đầu tư tư nhưng dịch vụ công” đang phát triển.
Tăng cường thêm nguồn lực, chạy đua với thời tiết
Hiện nay, toàn tuyến đang triển khai 50 mũi thi công, huy động khoảng 3.500 cán bộ, công nhân cùng 1.430 thiết bị máy móc. Sản lượng thi công đã đạt khoảng 8.200 tỷ đồng, tương đương 62% tổng khối lượng dự án.

Đối với phần đường, công tác thi công cấp phối đá dăm đạt khoảng 40%, trong đó đã tiến hành công đoạn thảm nhựa được hơn 10km. Với mục tiêu đến tháng 9.2025 cơ bản hoàn thành phần nền mặt đường - trước khi mùa mưa đến, nhà thầu đã bổ sung hàng loạt máy móc thiết bị. Từ hệ thống máy ủi, lu, rải nhựa, đến các dây chuyền trộn bê tông, tất cả đều được tăng cường để tổ chức thi công đồng thời trên toàn tuyến.
Các hạng mục “xương sống” khác của dự án cũng đã cơ bản hoàn thành. Trên tuyến có 77 cầu, trong đó 67 cầu đã hoàn thành thân mố trụ, 56 cầu đã lao lắp dầm và bản mặt cầu. Riêng cầu vượt đường sắt tại nút giao Đức Phổ (lý trình Km0+312) còn vướng mặt bằng, hiện vẫn còn 12/37 cọc chưa thể triển khai thi công.

Bên cạnh đó, địa chất thực tế ở các hầm sai khác so với hồ sơ thiết kế ban đầu nên vật liệu đá đào từ hầm không đạt yêu cầu để tận dụng cho các hạng mục khác, dẫn đến thiếu hụt vật liệu và phát sinh chi phí bổ sung mua vật liệu từ mỏ thương mại và xử lý đổ thải.
Các tồn tại vướng mắc còn khá nhiều, các nhà thầu kiến nghị chủ đầu tư, địa phương và các cơ quan liên quan nhanh chóng bàn giao mặt bằng, sớm xử lý các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho nhà thi công đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.

Theo lãnh đạo Đèo Cả, một số nhà thầu địa phương như Đồng Khánh, Phú Hiển Vinh… được tạo điều kiện tham gia dự án nhưng trong quá trình triển khai đã bộc lộ yếu kém, không đáp ứng yêu cầu về năng lực thi công và tài chính. Tập đoàn Đèo Cả với trách nhiệm đứng đầu liên danh đã kiên quyết loại khỏi dự án, tránh nguy cơ chậm trễ tiến độ chung. Khối lượng tiếp nhận lại từ các nhà thầu này được rà soát kỹ lưỡng, các phần việc không đạt yêu cầu đều bị khoanh vùng xử lý, thi công lại nếu cần thiết với quan điểm nhất quán là “không phủ lên cái không đạt chất lượng”.

Về năng lực tổ chức thi công của nhà thầu, ông Lê Thắng - Giám đốc Ban QLDA 2 (đại diện chủ đầu tư) ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ kỹ sư, công nhân và khả năng tổ chức quản lý dự án của Đèo Cả. “Xin gửi lời cảm ơn đến toàn thể kỹ sư, công nhân Tập đoàn Đèo Cả đã làm việc ngày đêm để hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng, và thông ống phải hầm số 3, một trong những hầm lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam cho đến thời điểm hiện tại. Đèo Cả đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tổ chức thi công linh hoạt, giúp rút ngắn tiến độ tổng thể gần 9 tháng, đây là kết quả rất đáng ghi nhận”, ông Thắng nói.
Ông Lê Thắng cho biết, trong quá trình thực hiện, dự án gặp nhiều khó khăn, từ giải phóng mặt bằng cho đến việc thiết kế và các mỏ vật liệu. Ban QLDA 2 sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đèo Cả, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án đúng theo yêu cầu của Chính phủ và nhận định, với năng lực và tinh thần quyết tâm cao của Đèo Cả, trong tương lai, Tập đoàn này sẽ tiếp tục chinh phục những công trình phức tạp hơn như các dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.