Hội thảo do Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành” tổ chức, nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia về thực trạng, giải pháp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn, phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát duy nhất của Quốc hội trong năm 2025 này.

Hành động càng sớm, thiệt hại càng thấp
Ô nhiễm không khí là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển và cũng là “kẻ hủy hoại thầm lặng” sức khỏe con người, kéo lùi tăng trưởng kinh tế, làm trầm trọng hóa các vấn đề xã hội và đe dọa phát triển bền vững kinh tế.
Ở Việt Nam, ô nhiễm không khí là vấn đề hiện hữu, trọng tâm là hai khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam; Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thường xuyên nằm trong top các thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều lúc vượt ngưỡng "nguy hại" (trên 300). Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (VUSTA), nồng độ bụi mịn PM2.5 liên tục vượt quy chuẩn quốc gia (QCVN 05:2013/BTNMT) và vượt xa khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới - WHO (giới hạn trung bình năm là 5µg/m³). Năm 2025, trung bình PM2.5 tại Hà Nội >40µg/m³, tại TP. Hồ Chí Minh khoảng 35-38µg/m³; đỉnh điểm ô nhiễm rơi vào mùa đông - xuân, thời tiết nghịch nhiệt và lặng gió.
Liệt kê ra những tác nhân gây ô nhiễm không khí ở đô thị lớn, các đại biểu cho rằng khói mù, bụi mịn là các tác nhân gây ô nhiễm không khí khiến cho môi trường sống ở đô thị trở nên ngột ngạt hơn; khói bụi, khí thải từ hoạt động giao thông đô thị do sử dụng ô tô, xe máy cũ; sử dụng nhiên liệu hóa thạch không đạt tiêu chuẩn khí thải, tình trạng kẹt xe…; từ hoạt động xây dựng; các hoạt động như đốt rơm rạ, rác thải ngoài trời tập trung ở vùng ven đô và vùng nông thôn ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng không khí thành thị theo gió mùa.
Khói mù, bụi mịn còn đến từ việc thiếu giải pháp thu gom, xử lý rác tại nguồn; từ các nhà máy xi măng, nhiệt điện, vật liệu xây dựng do phát thải không qua xử lý hoặc giám sát yếu; từ những xe tải vận chuyển vật liệu không che chắn. Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn còn đến từ việc thiếu không gian cây xanh, mặt nước, tình trạng đô thị hóa, bê tông hóa bề mặt, thiếu hành lang thông gió…
Hành động càng sớm, thiệt hại và chi phí khắc phục càng thấp
Đánh giá thuận lợi trong kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở nước ta, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Hoài Nam cho biết, hành lang pháp lý để kiểm soát, quản lý chất lượng môi trường không khí tương đối đầy đủ, từ Luật đến Nghị định, Thông tư và các văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, đã có sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Công tác quan trắc môi trường, giám sát nguồn thải tiếp tục được đẩy mạnh, quan tâm đầu tư. Hệ thống quan trắc định kỳ được tổ chức thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt và nay là Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hệ thống quan trắc tự động, liên tục chất lượng không khí đã và đang được quan tâm đầu tư lắp đặt, vận hành ở cả cấp Trung ương và địa phương nhằm cung cấp chuỗi dữ liệu liên tục theo thời gian thực về hiện trạng và diễn biến chất lượng không khí ở các khu vực đô thị…

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồ Long
Đại diện Cục Môi trường cũng thẳng thắn chỉ rõ, thực trạng ô nhiễm môi trường không khí tại một số thành phố lớn vẫn tiếp tục diễn ra, tại một số thời điểm, một số khu vực ở mức xấu, gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nguồn lực tổ chức bộ máy, nhân lực, kinh phí thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí, quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, năng lực cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu. Trách nhiệm thực hiện quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu đông dân cư còn phân tán, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực. Việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành có liên quan và các địa phương còn hạn chế, không thường xuyên và kịp thời khi xảy ra những điểm nóng ô nhiễm không khí…
Theo PGS. TS. Nghiêm Trung Dũng (Đại học Bách Khoa Hà Nội), kinh nghiệm của các nước trên thế giới về kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn là cần "bắt đúng bệnh, trị căn nguyên", chứ không phải "chữa triệu chứng". Các giải pháp cần tập trung vào nguồn gây ô nhiễm chính và chất gây ô nhiễm chính. Cùng với đó, cần quản lý giao thông đô thị hiệu quả nhằm giảm phát thải. PGS. TS Nghiêm Trung Dũng cũng cho rằng, trong bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng, hành động càng sớm thì thiệt hại và chi phí khắc phục sẽ càng thấp.
Phân tích những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và trong kiểm soát, khắc phục ô nhiễm không khí nói riêng, PGS.TS. Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, mặc dù hệ thống chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường không khí của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng thực tiễn triển khai vẫn bộc lộ hàng loạt hạn chế, bất cập cả về nội dung pháp lý, tổ chức thực thi và cơ chế vận hành.
Đơn cử, pháp luật còn phân tán, thiếu thống nhất và tính hệ thống chưa cao; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về không khí chưa đầy đủ, lạc hậu; công cụ quản lý chưa đủ mạnh, thiếu hiệu lực trong kiểm soát thực tế; chế tài pháp lý còn yếu, thiếu khả năng răn đe; thiếu nguồn lực và năng lực tổ chức thực thi; nhận thức cộng đồng và cơ chế phối hợp còn yếu.
Trước những bất cập hiện hữu, PGS.TS. Bùi Thị An nhấn mạnh, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, vừa mang tính pháp lý nền tảng, vừa bảo đảm tính thực tiễn trong triển khai. Theo đó, cần hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật chuyên sâu về môi trường không khí; nâng cao hiệu quả thực thi và năng lực tổ chức thực hiện; tăng cường công cụ tài chính và cơ chế khuyến khích kiểm soát ô nhiễm; tăng cường tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường không khí.
Đồng tình với việc cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có bảo vệ môi trường không khí, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, cần tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tới người dân để chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Trong vấn đề này, một "lỗ hổng" nữa, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, là do người dân thiếu thông tin, thiếu lựa chọn, thiếu sự đồng hành từ các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo dục trong kiểm soát, khắc phục ô nhiễm không khí. “Rơm rạ đáng lẽ ra phải thành phân, thành nấm, thành vật liệu sinh học nhưng rồi lại hóa ra mây mù nhân tạo gây bụi mịn trong không khí”.
Chỉ rõ bất cập nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu rõ, trách nhiệm của chính quyền, Quốc hội, Chính phủ, nhà giáo dục, nhà khoa học là làm sao có các giải pháp mới dễ hiểu, dễ làm và dễ tin đối với người dân trong việc kiểm soát, khắc phục ô nhiễm không khí. “Sẽ không ai đốt rơm rạ bừa bãi nếu họ biết đấy chính là nguyên nhân khiến con cháu của mình ho suốt mùa đông; không ai châm lửa đốt phụ phẩm nông nghiệp nếu họ biết mỗi đám khói kia sẽ tích tụ thành mây mù, bụi mịn trên đường phố cách đó hàng trăm cây số”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí; đồng thời rà soát, bổ sung đầy đủ các nội dung kiến nghị có đủ luận cứ khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta; đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tăng cường lan tỏa, truyền cảm hứng bằng những câu chuyện cá nhân có thật thay khẩu hiệu chung chung về bảo vệ môi trường.
“Một thành phố không còn khói mù là một thành phố không chỉ sạch bầu trời mà còn sáng cả trong cách nghĩ; hành động hôm nay để mai này con cháu chúng ta không cần đeo khẩu trang đi học và có thể nhìn thấy mặt trời từ trong lớp học”, Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng và kỳ vọng.