Trong suốt gần ba thập kỷ qua, anh Nguyễn Văn Tái (55 tuổi) đã lặng lẽ gắn bó và nâng tầm nghề thủ công này, biến những thanh tre mộc mạc thành những sản phẩm giàu tính thẩm mỹ, vừa mang giá trị văn hóa truyền thống, vừa có khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Để làm ra một con chuồn chuồn tre hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và kinh nghiệm. Các công đoạn chính bao gồm chẻ tre, vót thân, tạo hình cánh, đầu, đuôi và mỏ chuồn chuồn. Phần cân bằng trọng tâm được tính toán thủ công dựa trên kinh nghiệm và sự khéo léo của người làm nghề.
Mỗi công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối để chuồn chuồn có thể giữ được thăng bằng khi hoàn thiện. Sau khi tạo hình, chuồn chuồn được tô màu, vẽ hoa văn bằng tay, tạo nên vẻ ngoài sống động, bắt mắt. Mỗi chi tiết, từ độ dày của cánh, chiều dài thân cho đến góc gắn giữa các bộ phận, đều ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giữ thăng bằng. Vì vậy, dù không mang dáng dấp cầu kỳ, chuồn chuồn tre lại chứa đựng sự tinh tế đặc biệt, phản ánh rõ nét sự tài hoa và tỉ mỉ của người làm nghề.







Chuồn chuồn tre không chỉ dừng là một món đồ chơi hay một đồ vật trang trí nhà, chuồn chuồn tre còn là một nét đặc sắc trong giá trị truyền thống. Hình ảnh chuồn chuồn đã gắn bó với tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt – từ những buổi trưa hè thả diều trên cánh đồng đến câu đồng dao “chuồn chuồn bay thấp thì mưa...”.
Với chất liệu tre – biểu tượng của sự bền bỉ, dẻo dai và mộc mạc – chuồn chuồn tre còn gợi nhắc đến cốt cách con người Việt Nam: giản dị, cần cù và đầy sáng tạo.

Khó khăn dồn dập, khi mỗi chú chuồn chuồn tre được làm ra cần tốn nhiều công sức, thời gian và sự sáng tạo nhưng lại mang đến thu nhập không cao, đầu ra sản phẩm vẫn luôn là một bài toán khó.
Thế nhưng suốt 27 năm nay, gia đình anh Tái vẫn nỗ lực làm nghề. “Từ sau dịch Covid, chúng tôi cũng mất đi nhiều nguồn mua sản phẩm nên cũng không còn phát triển như trước lúc bán được, lúc không nhưng cố gắng để giữ nghề truyền thống nên chúng tôi vẫn làm”, anh Tái chia sẻ. Làm nghề là để giữ nghề, giữ lại truyền thống mà cha ông để lại. Anh Tái mong muốn rằng trong tương lai sẽ có nhiều bạn trẻ biết đến và học nghề để tiếp tục giữ nghề.


Trong bối cảnh nhiều nghề truyền thống đang bị mai một do thiếu lực lượng kế thừa và thị trường tiêu thụ, sự bền bỉ và tâm huyết của anh Nguyễn Văn Tái là một minh chứng sống động cho khả năng “hồi sinh” và phát triển các sản phẩm thủ công Việt Nam nếu có sự đầu tư đúng hướng.
Chuồn chuồn tre không chỉ là món đồ chơi mang giá trị hoài niệm, mà còn là biểu tượng của sự cân bằng, sáng tạo và tình yêu quê hương. Và trong hành trình giữ gìn hình ảnh giản dị ấy, những người làm nghề như anh Tái vẫn ngày ngày miệt mài bên tre, vót chuồn chuồn như một cách nối dài giá trị truyền thống cho thế hệ mai sau.