Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tăng năng suất là vấn đề "sống còn" đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tăng năng suất giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo động lực để phát triển kinh tế.
Theo Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năng suất là việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế để sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ, nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế, trong một khoảng thời gian nhất định. Hay nói một cách đơn giản, năng suất chính là tối ưu hóa đầu ra và tối thiểu hóa đầu vào.
Chuyên gia năng suất của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, bên cạnh yếu tố bên ngoài bao gồm chính sách của chính phủ, thể chế, điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, môi trường kinh doanh,… tác động tới năng suất và quá trình ra quyết định của doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp không kiểm soát được những yếu tố này thì các yếu tố bên trong là yếu tố thuộc tầm kiểm soát của doanh nghiệp.
Các yếu tố bên trong đó là 4M1E1I, 4M gồm: Man – con người; Method – phương pháp; Material – vật liệu; Machine – máy móc, 1E là Environment – môi trường và 1I là Information – thông tin.
Cụ thể, con người bao gồm các yếu tố về khả năng, kỹ năng, trình độ, ý thức, thái độ làm việc, tư duy cải tiến, mức độ đào tạo, huấn luyện, sức khỏe và an toàn lao động; Phương pháp gồm các yếu tố về quy trình, kỹ thuật sản xuất, cách thức thực hiện công việc, cải tiến và đổi mới phương pháp, loại trừ lãng phí;
Vật liệu gồm các yếu tố về chất lượng nguyên vật liệu; nguồn gốc, xuất xứ nguyên vật liệu, kiểm tra và đánh giá chất lượng nguyên vật liệu; Máy móc gồm các yếu tố về tình trạng, độ chính xác và hiệu quả của máy móc, mức độ tự động hóa, công tác bảo trì, bảo dưỡng máy móc;
Môi trường gồm: các yếu tố về môi trường làm việc, các yếu tố an toàn và bảo vệ môi trường, thể chế, bền vững, xây dựng phong trào năng suất; Thông tin cũng là một trong những yếu tố then chốt trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, đặc biệt là vai trò của thông tin truyền thông và thông tin trong phân tích, xử lý dữ liệu.
Trong đó, yếu tố con người được đánh giá là quan trọng nhất và cũng là yếu tố dễ tiếp cận nhất thông qua học tập và đào tạo. Rõ ràng, nguồn lực con người với yếu tố hàng đầu là trí tuệ, chất xám có ưu thế nổi bật là không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác, sử dụng hợp lý; còn các nguồn lực khác dù nhiều đến đâu cũng vẫn là yếu tố hữu hạn và chỉ phát huy tác dụng khi kết hợp với nguồn nhân lực một cách có hiệu quả.
Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác; trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, quyết định đến tăng năng suất lao động của mỗi doanh nghiệp, quốc gia trên thế giới.