Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gồm 3 đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, gồm: Học viện Khoa học và Công nghệ; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Viện Toán học.
Đánh giá về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, một số văn bản pháp luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trực tiếp điều chỉnh hoạt động quản lý nhà nước đối với giáo dục sau đại học thường xuyên được sửa đổi, bổ sung.
Trong những năm áp dụng Thông tư số 08/2017/TT - BGDĐT, số lượng ứng viên nghiên cứu sinh đăng ký vào các cơ sở đào tạo của Viện giảm khá nhiều. Thông tư số 18/2021/TT - BGDĐT với những điều chỉnh về tiêu chí đã góp phần tăng số lượng ứng viên dự tuyển nghiên cứu sinh so với các năm trước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng nảy sinh một số bất cập. Đó là sự chồng chéo giữa Luật Giáo dục đại học với một số luật, thông tư, nghị định khác liên quan đến đầu tư, khuyến khích hoạt động khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học; Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Giáo dục đại học chưa thống nhất về phê duyệt kế hoạch tài chính.
Việc có nhiều thông tư điều chỉnh quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ dẫn đến các cơ sở đào tạo phải ban hành quy chế mới để đáp ứng sự thay đổi đó, làm xuất hiện sự chồng chéo trong thực hiện, khiến cho một số cơ sở đào tạo của Viện gặp khó khăn nhất định trong tuyển sinh, quản lý và tổ chức đào tạo nghiên cứu sinh.
Các đơn vị đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Hàn lâm hầu hết là lĩnh vực nghiên cứu về khoa học và công nghệ, một số mã ngành đào tạo tương đối hẹp về chuyên môn, nên số lượng nghiên cứu sinh đăng ký dự tuyển còn ít. Bên cạnh đó, một số mã ngành khó có được các công trình công bố trên tạp chí quốc tế và các tạp chí trong nước theo khung điểm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước từ 1 điểm trở lên.
Số lượng nghiên cứu sinh tuyển mới những năm gần đây giảm sút, một phần do sự thay đổi trong quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017 và 2021. Quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2017 áp dụng chưa hết một khóa đào tạo đã có quy chế năm 2021, khiến công tác quản lý, tổ chức đào tạo gặp nhiều khó khăn, cũng như một bộ phận người học lúng túng, ngại theo học.
Từ thực tế đào tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kiến nghị có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho lĩnh vực nghiên cứu về khoa học tự nhiên và công nghệ để thu hút được học.
Nhìn chung, chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam hiện nay chưa cao, chưa hiệu quả về mặt ứng dụng kết quả nghiên cứu trong cuộc sống. Để cải thiện tình hình này, các trường, đơn vị tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để tăng khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu.
Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật sau đại học theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở đào tạo để phát triển giáo dục sau đại học theo nhu cầu của xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành khoa học, công nghệ. Đây là một cơ sở giáo dục đại học lớn, vì vậy, hiệu quả đào tạo của Viện đóng góp nguồn lực quan trọng cho thành tựu phát triển khoa học, công nghệ của đất nước.
Những năm qua, đào tạo trình độ tiến sĩ tại nước ta đang có nhiều thay đổi lớn, đặt ra nhiều vấn đề về chất lượng đầu vào cũng như đầu ra. Dựa trên đặc thù của cơ sở, những kiến nghị của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu để đưa ra những đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong đào tạo trình độ tiến sĩ.