Nỗi lo tăng học phí
Sau khi dự thảo nghị quyết về việc quy định mức thu học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026 được công bố đã nhận lại nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh. Thuộc hộ gia đình diện khó khăn và có 2 con đang trong độ tuổi đi học, chị Hoàng Thị Linh, Ba Vì cho biết, việc các trường công lập tăng học phí trong bối cảnh bão giá hiện nay sẽ làm giảm thiểu cơ hội học tập của một bộ phận học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Học sinh sẽ không được học ở những ngôi trường tốt, có thể bỏ học, chuyển trường do không đủ điều kiện đóng học phí.
Anh Nguyễn Hoàng Hải, huyện Thường Tín chia sẻ, việc tăng gấp đôi học phí khi trường lớp vẫn thiếu, cơ sở vật chất không đảm bảo là trăn trở lớn của nhiều phụ huynh hiện nay. Không chỉ mỗi học phí, phụ huynh còn phải đóng nhiều khoản phí xã hội khác đi kèm mỗi đầu năm học, kỳ học. Thời buổi dịch bệnh khó khăn, giá cả leo thang mà tiền lương vẫn không thay đổi thì việc đóng học phí cho con luôn khiến gia đình anh đau đầu. Theo anh Hải, HDND thành phố Hà Nội nên xem xét tăng học phí từ từ và đúng lộ trình, nếu tăng gấp đôi theo tốc độ chóng mặt sẽ vô tình đẩy phụ huynh vào thế khó.
Đồng tình và đánh giá việc tăng học phí là tất yếu khách quan và có lộ trình nhưng chị Nguyễn Kiều Vân, Hà Nội cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự chia sẻ khó khăn với người dân, nhất là sự minh bạch trong thu-chi của nhiều trường công lập lâu nay, xóa bỏ lạm thu để tạo niềm tin và sự đồng thuận từ phụ huynh. Tăng học phí cần đi đôi với tăng chất lượng giáo dục. Thế nhưng, hiện nay sĩ số học sinh vẫn là 40-50 người/ lớp thì liệu có thể đảm bảo được chất lượng giáo dục tương xứng với số tiền mà phụ huynh bỏ ra hay không, chị Vân thắc mắc.
Học phí cần công khai, minh bạch
Đứng trước nỗi lo tăng học phí của người dân, có thể thấy điều quan trọng mà các cơ sở giáo dục công lập cần làm là minh bạch nguồn thu để tránh tận thu, công khai chất lượng đào tạo cũng như thay đổi cơ chế để nếu tăng học phí, con em của các gia đình khó khăn vẫn có cơ hội tiếp cận giáo dục tốt nhất. Công khai giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, cấp học, khóa học từ lâu đã là trách nhiệm của mọi cơ sở giáo dục. Nếu các trường công lập tự chủ và chưa tự chủ tài chính đồng loạt tăng học phí mà không giải trình được các chi phí đó đã sử dụng như thế nào, bên cạnh đó chất lượng giáo dục và cơ sở vật chất vẫn “giậm chân tại chỗ”, không phát triển sẽ tạo nên những nghi ngờ không đáng có trong dư luận.
Theo chuyên gia giáo dục - TS Vũ Thu Hương chia sẻ, đã có sự không rõ ràng trong giáo dục công lập vốn được bao cấp và giáo dục dân lập xây dựng trên cơ chế xã hội hóa. Nếu là giáo dục bao cấp để đảm bảo phổ cập, việc tăng phí sẽ khiến người dân cảm thấy khó chấp nhận và thiếu minh bạch. Đặc biệt khi có cơ chế tăng phí mà không có giải trình sử dụng nguồn phí tăng đó như thế nào. Cơ chế bao cấp đã tạo lối mòn trong suy nghĩ của người dân khiến phần lớn mọi người không thoải mái khi các phí vốn được miễn, nay lại bị thu, thậm chí bị tăng. Bên cạnh đó, nếu nhà trường thu học phí cao nhưng thiếu cơ chế quản lý, giám sát dẫn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… không xứng tầm thì chủ trương, chính sách tốt đẹp sẽ dễ dàng bị trục lợi. Minh bạch, công khai chính là cách tốt nhất để người dân giám sát, đảm bảo việc thu chi tài chính có hiệu quả, phòng chống các tiêu cực. Khi tài chính do Nhà nước hay Nhân dân đóng góp thực sự giúp nâng cao chất lượng giáo dục, sử dụng hiệu quả, người dân sẽ thấy đồng tiền bỏ ra là hợp lý. Người học chấp nhận đóng học phí cao hơn có quyền đòi hỏi phía cơ sở giáo dục phải cam kết, phải có cơ chế cụ thể đảm bảo chất lượng giáo dục tương xứng với mức học phí đã thu. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiên phong trong việc tạo niềm tin cho người dân và cần công bố tiêu chuẩn thể hiện bằng các tiêu chí đối với "chất lượng chuẩn" làm cơ sở cho công tác kiểm định chất lượng, TS Vũ Thu Hương cho biết.
Phản hồi những ý kiến cho rằng các cơ sở giáo dục công lập không nên tăng học phí, Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì nhận định, các trường công lập bắt buộc phải đổi mới cơ chế tài chính và huy động nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục, tăng trải nghiệm cho học sinh chứ không nên phụ thuộc mãi vào nhà nước. Không thể phủ nhận, thương hiệu của nhiều trường công lập hiện nay được tạo dựng bởi sự nỗ lực của nhiều thế hệ nhà giáo kèm theo sự chi trả từ ngân sách nhà nước, thế nhưng nhà nước chỉ có thể bao cấp cho giáo dục bắt buộc, còn giáo dục không bắt buộc thì người học phải tự chi trả hoặc cùng chia sẻ với nhà nước. Việc tăng học phí ở các trường đủ điều kiện tự chủ là bắt buộc, tuy nhiên nên tăng theo lộ trình. Về phía nhà trường, phải làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục. Phải có sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh học sinh để các nguồn thu được minh bạch và sử dụng hiệu quả.
Có thể thấy, nếu dự thảo tăng học phí được thông qua thì các cơ sở giáo dụng phải có trách nhiệm giải trình cho người học và toàn xã hội về việc sử dụng số tiền học phí thu được như thế nào để mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất. Tăng học phí phải đi đôi tăng chất lượng và tài chính cần phải minh bạch, công khai để người dân giám sát. Các đơn vị sự nghiệp công lập cần có bộ tiêu chí về chất lượng dịch vụ giáo dục rõ ràng, cụ thể, cùng với đó là những cam kết về chất lượng đào tạo như đầu ra tốt nghiệp trung học phổ thông: đầu ra ngoại ngữ; đầu vào các trường đại học... Đó là cách để nhà trường tạo được lòng tin, được thị trường chấp nhận với mức tăng học phí theo lộ trình đã đề ra.