Theo BHXH Việt Nam, ngành BHXH được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT; cùng với đó là một số chức danh được giao thẩm quyền xử phạt VPHC. Đến nay, việc xử lý VPHC trong lĩnh vực đóng BHXH, BHYT đã đạt một số kết quả nhất định; góp phần ngăn ngừa, răn đe, giảm số tiền trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT; cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và chủ sử dụng lao động.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, đây là nội dung nhiệm vụ mới được giao, nhưng trong thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng để triển khai tốt; đồng thời không ngừng nghiên cứu, đúc kết thực tiễn để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực tế. Dù vậy, với ngành BHXH Việt Nam, đây vẫn là nội dung đòi hỏi nền tảng kiến thức pháp luật chuyên sâu; trong khi đó, quá trình triển khai trong 2 năm gần đây cũng bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch Covid-19. Thực tế này khiến việc xử lý VPHC của cơ quan BHXH cũng như các đoàn thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT còn một số hạn chế nhất định.
Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho rằng, việc này có tác động trực tiếp đến công tác thu, phát triển người tham gia, giảm số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH. Do vậy, với tinh thần “yếu đâu sửa đấy”, lãnh đạo BHXH Việt Nam yêu cầu phải sớm khắc phục những hạn chế, nhất là trong việc xử lý VPHC lĩnh vực đóng BHXH, BHYT; nhằm tăng cường tính răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động.
Về nội dung tập huấn, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đề nghị các đại biểu tập trung củng cố nền tảng kiến thức cơ bản về xử phạt VPHC, trên cơ sở tiếp thu những điểm mới trong các văn bản luật mới được ban hành. Cùng với đó, chú trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thanh tra, kiểm tra của BHXH các tỉnh, thành phố; giúp các công chức, viên chức nắm rõ, thành thạo kỹ năng lập hồ sơ xử phạt, lập biên bản VPHC, ban hành quyết định xử phạt, cưỡng chế thi hành…
Tại Hội nghị, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Xử lý VPHC và Theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) đã phổ biến các nội dung cơ bản, những điểm mới về xử lý VPHC trong Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC số 15/2012/QH13; Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC.
Theo đó, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung 66/142 Điều (trong đó có 16 Điều được sửa đổi, bổ sung toàn diện); sửa kỹ thuật 11/142 Điều; bổ sung mới 4 Điều; bãi bỏ 3 Điều của Luật số 15/2012/QH13. Về xử phạt VPHC, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các nội dung chủ yếu như tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực; sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC; sửa đổi, bổ sung về quy định xử phạt VPHC; thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC… Đồng thời, đã sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC.
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC. Trong đó, đã bổ sung quy định về trách nhiệm của BHXH Việt Nam tại Điều 37. Cụ thể, BHXH Việt Nam có trách nhiệm như các bộ, cơ quan ngang bộ trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý VPHC; thực hiện các nhiệm vụ thống kê, báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC; thực hiện các nhiệm vụ thống kê về xử lý VPHC; phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý VPHC; thực hiện thanh tra, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; thực hiện các nhiệm vụ phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý VPHC; xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức, bố trí nguồn lực để triển khai việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
Ông Đặng Thanh Sơn cũng đã trao đổi, trả lời những câu hỏi của đại biểu về một số băn khoăn, vướng mắc trong thực tiễn; đồng thời đưa ra những lưu ý, chia sẻ kinh nghiệm xử lý liên quan đến xử phạt VPHC. Việc nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng vận dụng, áp dụng pháp luật sẽ giúp cán bộ ngày càng tinh thông, nâng cao tính chuyên nghiệp, giảm thiểu những sai sót trong quá trình thực thi pháp luật nói chung và xử phạt VPHC nói riêng. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT - ông Sơn nhấn mạnh.