Phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm
Trình bày Tờ trình về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thủy sản, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (Nghị định số 42/2019/NĐ-CP).
Tại dự thảo Nghị định có quy định về việc phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên nội dung này chưa được quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính, do vậy Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép Chính phủ quy định về việc phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản tại Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP nhằm phát hiện nhanh hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, cung cấp bằng chứng, chứng cứ để tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Các quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản sẽ giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong hoạt động khai thác thủy sản; giúp cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi trong quá trình tác nghiệp và không bỏ lọt hành vi vi phạm, tiến hành xử lý vi phạm thuận lợi và nhanh hơn bởi có các bằng chứng, chứng cứ thuyết phục; tạo cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai thực thi pháp luật theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Nhằm bảo đảm việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Thẩm tra cơ sở pháp lý Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là đúng thẩm quyền, bảo đảm cơ sở pháp lý theo quy định của luật.
Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết quy định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong Nghị định của Chính phủ.
Về phạm vi điều chỉnh, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc thu hẹp phạm vi áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính chỉ trong hoạt động “khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản”.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản nhất trí với dự kiến Danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng như đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Báo cáo số 1894/BNN-TCTS. Việc xác định phạm vi áp dụng như vậy một mặt sẽ tạo thuận lợi cho các lực lượng thực thi pháp luật trong việc phát hiện và xử phạt vi phạm, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của EC về chống hành vi khai thác IUU, góp phần sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân và hiệu quả quản lý nhà nước trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản; mặt khác cũng phù hợp với đối tượng, phạm vi quản lý và điều kiện về nguồn lực (về con người và vật chất) để bảo đảm tính khả thi.
Đối với hoạt động “chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản”, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị, trước mắt không áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính vì các hoạt động này có địa bàn hoạt động không phức tạp, việc phát hiện vi phạm hành chính cũng không gặp khó khăn, vướng mắc như đối với các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ về phạm vi áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; đồng thời đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể hoạt động thủy sản được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính nhằm bảo đảm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Cân nhắc phạm vi, bảo đảm đúng thẩm quyền
Tán thành với sự cần thiết cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội đã đề cập nhiều đến vấn đề áp thẻ vàng IUU của EC đối với Việt Nam làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của ngư dân Việt Nam cũng như các doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu.
"Việc tăng cường giám sát quản lý hoạt động đánh bắt thủy sản không đăng kí, không khai báo vừa là cam kết, vừa thể hiện chính sách phát triển bền vững của Việt Nam". Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, cần tăng cường công tác truyền thông, nêu bật tác dụng của các quy định này nhằm bảo đảm quản lý, giám sát việc đánh bắt thủy sản không khai báo, không đăng ký, vừa phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, thể hiện nỗ lực, cố gắng của Việt Nam để tác động, thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Lưu ý về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, nếu lựa chọn thu hẹp phạm vi điều chỉnh thì có thay đổi tên gọi của Nghị định không? Đề nghị các cơ quan rà soát, cân nhắc để phạm vi điều chỉnh khớp với tên gọi.
Nêu quan điểm về phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, nếu quy định rộng hơn thì có điểm tốt do trong mua bán, xuất nhập khẩu thủy sản cũng có vi phạm, nhất là liên quan đến máy móc thiết bị. Tuy nhiên, quy định như vậy liên quan đến quyền của các cá nhân, cần lưu ý đến việc bảo vệ quyền con người, tránh gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình mua bán. Do vậy, nếu chưa thực sự cần thiết, chưa có đánh giá cụ thể về tác động thì chưa nên quy định.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, việc cho phép sử dụng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành chính còn góp phần phòng ngừa tham nhũng trong xử phạt vi phạm hành chính, nhất là các lực lượng chấp pháp tuần tra trên biển.
Lĩnh vực thủy sản có bốn nhóm hành vi vi phạm tương ứng với bốn hoạt động thủy sản gồm: bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản và chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ điều chỉnh lĩnh vực sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi phạm hành chính, không điều chỉnh hành vi hay nhóm hành vi trong lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm. Đối chiếu với quy định tại khoản 1, Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc việc cho phép sử dụng phương tiện kỹ thuật trong "lĩnh vực thủy sản" hay "một số nhóm hành vi" trong lĩnh vực này, nhằm bảo đảm đúng thẩm quyền.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiêm túc chuẩn bị hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật, có tiếp thu giải trình và đưa ra đề nghị thu gọn nội dung cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, rà soát để thay thế, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết đồng ý cho phép Chính phủ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản khi ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (sửa đổi).