Tạo bước chuyển biến trong nhận thức người sản xuất, tiêu dùng
Hiện nay, an toàn thực phẩm là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn của người dân ngày càng gia tăng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phát triển ngày càng nhiều. Do đó, trước thềm các dịp lễ, Tết, Hà Nội triển khai nhiều đợt kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Các đoàn thanh tra, kiểm tra từ cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra chất lượng thực phẩm tại các chợ, siêu thị, và các cửa hàng bán lẻ. Đặc biệt, các loại thực phẩm như rau củ quả, thịt, gia cầm, thủy sản - những mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán được chú trọng kiểm tra về nguồn gốc, quy trình bảo quản, chất lượng sản phẩm, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.
Ngoài ra, Hà Nội cũng tăng cường công tác kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là các cơ sở chế biến thực phẩm sẵn, phục vụ khách hàng trong các dịp tiệc tùng, lễ hội.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết: thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21.10.2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; hàng năm Sở Công Thương chủ động bám sát nội dung chỉ đạo của Trung ương, TP. Hà Nội để xây dựng Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực Công Thương và triển khai các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, Sở đã tích cực phối hợp với Sở Y tế - cơ quan thường trực về an toàn thực phẩm thành phố và các sở, ngành đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố ban hành quy định về phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội cho phù hợp với các quy định hiện hành. Đồng thời, đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đối với chất lượng thực phẩm lĩnh vực công thương qua nhiều hình thức, góp phần tạo bước chuyển biến trong nhận thức người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội.
Ngoài ra, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh. Sở cũng đã xây dựng và ban hành các quy trình ISO thực hiện thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm …
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Một trong những điểm nổi bật của ngành công thương Hà Nội trong thời qua đó là đã tích cực triển khai Đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ và Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP. Đến nay, Sở đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, cấp biển nhận diện đối với hơn 1.000 cửa hàng kinh doanh trái cây và 2.940 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm và tiêu chí của Đề án, xây dựng 25 trạm xét nghiệm nhanh phục vụ công tác xét nghiệm, lấy mẫu thực phẩm tại chợ của 8 quận/huyện.
Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức nhiều sự kiện giao thương kết nối, xúc tiến thương mại…, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển vùng sản xuất an toàn trên địa bàn và tạo nguồn cung ứng thực phẩm an toàn, ổn định trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm cho dịp cuối năm 2024, dịp Tết năm 2025, Sở Công Thương Hà Nội tập trung triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực Công Thương đã xây dựng từ đầu năm, đồng thời bám sát chỉ đạo của TP. Hà Nội để xây dựng Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tập trung triển khai hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về ATTP trong lĩnh vực công thương, trong đó sẽ bám sát các nội dung, khẩu hiệu tuyên truyền được hướng dẫn tại Kế hoạch của Thành phố để xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp, cụ thể cho từng nhóm đối tượng (nhà quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng).
Đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, giới thiệu, kết nối cung - cầu các sản phẩm thực phẩm an toàn từ các vùng sản xuất an toàn của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối của Thành phố để vừa bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Nhân dân. Đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường.
Sở cũng sẽ triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP, trong đó chú trọng nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa, chất lượng hàng hóa các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết; Chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ATTP dịp Tết 2025 tại các quận, huyện, thị xã theo phân công của UBND Thành phố, xử lý nghiêm và công khai các hành vi vi phạm về ATTP; Kiểm tra công tác phòng, chống thực phẩm giả, gian lận thương mại lưu thông trên thị trường.
Mặt khác, đẩy nhanh thực hiện Đề án trái cây, Đề án ATTP trong chợ nhằm góp phần hướng dẫn các cơ sở thuộc đối tượng của Đề án hoàn thiện, đáp ứng điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, qua đó hình thành các địa chỉ mua sắm thực phẩm an toàn phục vụ người dân.