Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng, đồng nghĩa với sự tập trung của một lực lượng lao động trẻ hùng hậu chưa từng có. Một khi lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động... sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy rằng, giai đoạn phát triển “thần kỳ” của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và giai đoạn phát triển nhanh của các nước công nghiệp mới đều gắn liền với thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”.
Điều cần tham khảo là để tận dụng cơ hội, trước và trong suốt giai đoạn dân số “vàng”, các nước nêu trên đã ban hành và thực hiện các nhóm chính sách phù hợp về giáo dục và đào tạo, lao động việc làm và nguồn nhân lực, chăm sóc y tế, an sinh và bảo trợ xã hội... Chẳng hạn, Nhật Bản - đất nước có sự phát triển thần kỳ nhờ cơ cấu dân số “vàng” - đã có chính sách đầu tư rất lớn cho giáo dục và y tế. Ngay từ những năm 1970, họ gọi những người học nghề và đại học là những “quả trứng vàng”…
Đối với nước ta, qua nghiên cứu, các chuyên gia dân số đã kết luận rằng, giai đoạn cơ cấu dân số “vàng” chỉ có thể kéo dài nhất là 40 năm. Và việc nắm bắt cơ hội này để tạo nên một bước đột phá cho sự phát triển của đất nước là vô cùng quan trọng, nhưng không dễ dàng gì.
Để cơ hội dân số “vàng” chỉ có một lần trong lịch sử không trôi đi một cách lãng phí, Nhà nước và xã hội cần tạo đủ việc làm cho lao động, lao động có năng suất cao, tránh được mức thu nhập trung bình, có thể đạt được khả năng “giàu trước khi già”. Tuy nhiên, theo số liệu quý III.2013 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ đang có việc làm của Việt Nam cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng năng suất, chất lượng còn hạn chế. Tỷ lệ lao động ở nông thôn chiếm tới gần 70%, nhưng chỉ khoảng 13,4% trong số này được đào tạo chuyên môn kỹ thuật…
Trong khi đó, năng lực và chất lượng đào tạo, giáo dục - một yếu tố quyết định rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước đang có nhiều hạn chế và bất cập. Đặc biệt là chất lượng tay nghề thực sự của lao động qua đào tạo nhằm đáp ứng với yêu cầu cao của xã hội hiện nay đang rất thiếu và yếu. Theo báo cáo của Bộ LĐ - TB và XH, nước ta hiện mới chỉ có gần 25% số lao động được qua đào tạo, còn gần 75% là lao động giản đơn... Hiện đang thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, bán hàng... còn lao động xuất khẩu đa phần chỉ đạt chất lượng thấp, mới qua đào tạo sơ đẳng, không có ngoại ngữ.
Từ thực tế đó, các chuyên gia dân số khẳng định, cần ban hành và thực hiện các nhóm chính sách phù hợp về giáo dục và đào tạo, lao động việc làm, y tế, an sinh và bảo trợ xã hội. Việc xây dựng các chính sách phát triển cần tính đến sự thay đổi nhanh của các nhóm dân số theo độ tuổi để có chính sách thích hợp. Nâng cao ý thức tận dụng cơ hội dân số “vàng” thông qua chính sách khuyến khích đầu tư tạo việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, hạn chế tiêu dùng xa xỉ. Đầu tư vào giáo dục, đào tạo hướng nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhằm tận dụng số lượng lao động dồi dào một cách hiệu quả nhất.