Chế độ dinh dưỡng thế nào để tăng sức đề kháng, phòng bệnh Covid-19?

Trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 có xu hướng gia tăng trong giai đoạn gần đây, vấn đề xây dựng chế độ dinh dưỡng như thế nào để nâng cao sức đề kháng, phòng Covid-19 đang được nhiều người quan tâm.

Trao đổi với phóng viên báo Đại biểu Nhân dân, ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng và điều trị bệnh, là giải pháp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch của cơ thể. Giải pháp dinh dưỡng giúp công tác phòng và điều trị bệnh hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian điều trị, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.

Chế độ dinh dưỡng nếu không hợp lý (thừa hoặc thiếu) sẽ có nguy cơ làm giảm sức đề kháng, giảm chức năng miễn dịch, tăng tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus, giảm sự phát triển tối ưu về thể chất, tinh thần, giảm năng suất lao động. Để có sức khỏe tốt, mỗi người cần thực hiện chế độ dinh dưỡng vừa đủ so với nhu cầu, nhưng cần hạn chế một hoặc nhiều chất dinh dưỡng không tốt cho sức khỏe. Đồng thời, những người có bệnh lý nền phải thực hiện chế độ ăn bệnh lý.

Theo ThS Tiến, chế độ dinh dưỡng tốt giúp nâng cao sức đề kháng, phòng các bệnh nói chung và bệnh Covid-19 nói riêng gồm:

Ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng. Nênphối hợp từ 15 - 20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ...). Ngoài ra, nên ăn cả mỡ động vật và dầu thực vật ở tỷ lệ cân đối trong khẩu phần. Tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín.

Ăn đủ về năng lượng, các chất dinh dưỡng theo nhu cầu cơ thể, phân chia hợp lý các bữa ăn trong ngày. Một chế độ ăn đảm bảo đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng như: năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55 - 65% tổng năng lượng khẩu phần, còn lại do chất béo cung cấp chiếm 20 - 25% và 15 - 20% là từ chất đạm.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng thế nào để tăng sức đề kháng, phòng bệnh Covid-19? -0
Các loại quả chín cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng trong đề kháng và miễn dịch cơ thể

Rau xanh và quả chín: Theo nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng cho người Việt Nam năm 2016 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người trưởng thành nên ăn 600g rau xanh và hoa quả mỗi ngày, gồm 400g rau xanh và 200g quả chín. Rau quả là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng trong đề kháng và miễn dịch cơ thể, nếu thiếu sẽ làm giảm sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh.

Các vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch gồm: vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E và chất khoáng như sắt, kẽm, selen, folic,…

Vitamin và khoáng chất có nhiều trong các thực phẩm:

Vitamin A có nhiều trong rau xanh có màu xanh đậm, hoa quả màu vàng, đỏ như gấc, đu đủ, xoài, rau ngót, rau dền cơm,... và thức ăn động vật như gan gà, gan lợn, gan bò,...

Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên như đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ô liu và các loại rau có lá màu xanh đậm,…

Vitamin C có nhiều trong rau ngót, rau mùi tàu, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, hành hoa, trong các loại quả như bưởi, đủ đủ, quýt, cam, chanh,…

Vitamin D có nhiều trong gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản, sữa…

Xây dựng chế độ dinh dưỡng thế nào để tăng sức đề kháng, phòng bệnh Covid-19? -0
Vitamin D có nhiều trong các loại hải sản

Vitamin nhóm B có nhiều trong cám gạo, ngũ cốc, các loại hạt đậu, mè, mầm lúa mì, tim, gan,..

Sắt có nhiều trong mộc nhĩ, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương, tiết bò, bầu dục lợn, lòng đỏ trứng vịt, cua đồng,…

Các thức ăn giàu kẽm như thịt, cá, tôm, sò, sữa, trứng, ngao, hàu,… Kẽm giúp tăng cường miễn dịch; giúp làm vết thương mau lành và duy trì vị giác, khướu giác; tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể. 

Sử dụng các loại thực phẩm có kháng sinh tự nhiên và tác dụng phòng ngừa virus như hành, tỏi, sả, lá mơ, tía tô, kinh giới, hương nhu, gừng, bạc hà, rau thơm, rau húng,… Có thể dùng từ 2 - 3 nhánh tỏi sống trong bữa ăn hoặc dùng khi chế biến thức ăn.

Lựa chọn và chế biến thực phẩm: thực phẩm phải tươi sống, không ăn những thực phẩm gia cầm và gia súc bị chết do nhiễm bệnh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn khi thực phẩm chưa chín như: ăn tái, ăn giỏi, tiết canh, trứng ốp la, trứng trần,…

Thực hiện 10 lời khuyên vàng trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là vệ sinh dao thớt và rửa tay bằng xà phòng trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm. Thức ăn cần nấu chín kỹ, chế biến dạng lỏng, hay mềm, dễ tiêu hóa và theo sở thích của từng người.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng thế nào để tăng sức đề kháng, phòng bệnh Covid-19? -0
Cần uống đủ nước theo nhu cầu từ 2,0 - 2,5 lít nước/người/ngày

Uống đủ nước: Cần uống đủ nước theo nhu cầu từ 2,0 - 2,5 lít nước/người/ngày thông qua nước từ các bữa ăn chính phụ, nước uống bổ sung. Nước uống bổ sung có thể dùng nước chanh, nước cam, nước sả, nước gừng… tùy theo cơ thể mỗi người.

Tăng cường hoạt động thể lực mỗi ngày: Dành thời gian tối thiểu 60 phút/ngày cho hoạt động thể lực phù hợp với nhu cầu, sở thích, sức khỏe. Trong ngày, nên tham gia một vài hoạt động thể lực khác nhau, mỗi hoạt động nên kéo dài trong vòng 15 phút.

Hạn chế khoảng thời gian không hoạt động nhiều hơn 2 giờ (trừ thời gian ngủ). Có thể thực hiện các hoạt động thể lực phù hợp với nhu cầu, thời gian và sở thích như: dọn nhà, lau nhà, giặt quần áo, đi xe đạp, nhảy dây, chơi cầu lông, bóng đá, bóng rổ, bơi,… Hạn chế thời gian ngồi tĩnh tại, ít hoạt động thể lực như xem ti vi, chơi trò chơi điện tử,...

Sức khỏe

Quang cảnh lễ ký kết
Sức khỏe

Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ và Bệnh viện Trung ương Huế ký kết chuyển giao kỹ thuật ghép thận

Ngày 12.9, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ Trần Quốc Luận cùng đoàn công tác của Bệnh viện đã có mặt tại Bệnh viện Trung ương Huế để tham quan học tập các kỹ thuật ghép thận, kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ – bỏng, đồng thời ký kết hợp đồng để Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện và chuyển giao kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ

Hà Nội: Các cơ sở y tế phải bảo đảm trực cấp cứu 24/24h
Xã hội

Hà Nội: Các cơ sở y tế phải bảo đảm trực cấp cứu 24/24h

Trước những ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, Sở Y tế thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phải bảo đảm trực cấp cứu 24/24h. Đồng thời, các đơn vị cần tổ chức triển khai điều trị tốt nhất đối với các trường hợp bị thương do ảnh hưởng của bão.

Cần lưu ý gì trong phòng chống dịch bệnh sau bão?
Sức khỏe

Cần lưu ý gì trong phòng chống dịch bệnh sau bão?

Mưa bão gây ô nhiễm môi trường sống và nguồn nước, tạo điều kiện cho dịch bệnh như bệnh tiêu chảy, bệnh về da, mắt phát triển và lây lan. Đồng thời, mang theo nhiều mối nguy hại đến sức khỏe như ngộ độc thực phẩm, tai nạn đuối nước, điện giật.

FPT Long Châu tặng thuốc và sơ cứu miễn phí giúp người dân sau bão Yagi
Sức khỏe

FPT Long Châu tặng thuốc và sơ cứu miễn phí giúp người dân sau bão Yagi

Sau cơn bão lịch sử - bão số 3 (Yagi), các tỉnh phía Bắc tiếp tục phải đối mặt với tình trạng lũ lụt dâng cao. Nhằm giúp người dân khắc phục các vấn đề về sức khỏe, FPT Long Châu hỗ trợ sơ cứu vết thương và cấp phát các loại thuốc thiết yếu miễn phí tại 24 tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ.