Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và hai lần cho ý kiến đối với các Báo cáo liên quan đến việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô do Ban cán sự đảng UBND Thành phố trình. Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã chỉ đạo UBND Thành phố hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Bộ Tư pháp thẩm định, báo cáo Chính phủ.

Tại phiên họp tháng 2.2023, Chính phủ cơ bản thông qua 9 nhóm chính sách như trong đề nghị xây dựng Luật; thống nhất sự cần thiết ban hành dự án Luật này nhằm xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá, tạo điều kiện để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, đặc thù của Thủ đô.
Hiện nay, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5.2023).
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội cho ý kiến đối với 12 vấn đề về hoạt động phối hợp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đó là, về mô hình thành phố thuộc Thủ đô, các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị làm rõ mô hình, tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố thuộc Thủ đô; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của HĐND, UBND thành phố trực thuộc Thủ đô có nội dung gì đặc thù theo chức năng của từng đô thị cần được phân quyền cao hơn so với các đơn vị quận, huyện.
Bên cạnh đó, cần giải trình sự cần thiết, vấn đề đặc thù, vượt trội phải quy định trong Luật Thủ đô, vì hiện nay mô hình, cơ cấu tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tiêu chuẩn thành lập đã có trong quy định tại Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vấn đề tiếp theo là việc thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù cấp thành phố, cấp huyện, cần xác định cụ thể về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của các cơ quan chuyên môn đặc thù mà Thành phố dự kiến sẽ thành lập.
Về số lượng đại biểu chuyên trách HĐND Thành phố, cần xác định rõ số lượng phù hợp với điều kiện đặc thù, vị trí vai trò của Thủ đô và định hướng chỉ đạo của Trung ương, cần giải trình, thuyết minh rõ về sự cần thiết phải tăng số lượng đại biểu, lượng đại biểu chuyên trách trong khi mô hình tổ chức chính quyền giữ nguyên theo Nghị quyết số 97, so sánh với tương quan cơ cấu tổ chức HĐND tại TP Hồ Chí Minh (Hiện HĐND Thành phố đề nghị tăng số lượng từ 95 lên 125 đại biểu, tỷ lệ chuyên trách 30%).
Về quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc Thành phố được quyền: "Tuyển dụng, bổ nhiệm từ cấp phó trở xuống và chịu trách nhiệm cá nhân về việc tuyển dụng, bổ nhiệm và chất lượng đội ngũ công chức, viên chức thuộc quyền quản lý", còn có nhiều ý kiến bắn khoăn, đặc biệt là việc đảm bảo nguyên tắc, các quy định của Đảng trong công tác cán bộ.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về dự án, công trình trọng điểm của Thành phố; nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm của Thành phố, cần xác định rõ, cụ thể Luật về lĩnh vực, quy mô, phạm vi để có căn cứ tổ chức thi hành.
Quy định cụ thể các biện pháp về xây dựng lại chung cư cũ, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị. Quy định rõ ràng các vấn đề về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) cần mô hình đầu tư mới như thế nào, có sử dụng hình thức BT không, và việc quy định cụ thể trong trường hợp tiếp tục đưa vào dự thảo Luật; cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà nước – nhà đầu tư – người dân trong các dự án; vấn đề thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, cần xác định rõ cơ chế tài chính (việc chi trả bảo hiểm y tế, giá dịch vụ kỹ thuật y tế, lương, thù lao cho đội ngũ bác sỹ công lập) và cơ chế liên quan đến chi trả Bảo hiểm y tế để đảm bảo tính khả thi của quy định khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình trong khi chưa có quy định tại các luật liên quan. Đồng thời làm rõ, cụ thể hóa cơ chế đầu tư công – quản trị tư nói chung và đối với công trình văn hóa nói riêng; việc Phân quyền về quản lý di sản, thẩm định, quyết định trùng tu, tôn tạo các di sản. Xác định rõ hơn các biện pháp bảo vệ môi trường; quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường của Thành phố, quy định về vùng phát thải thấp.
Ngoài ra, trong dự thảo Luật còn nhiều vấn đề về khái niệm như: đô thị vệ tinh, đô thị trung tâm, nội đô lịch sử, đô thị thông minh, Phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD),... cũng cần được xác định rõ hơn, làm căn cứ cho việc quy định các điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật.