Sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua: Suất ăn ở trường “như để giảm cân”, xôn xao vụ nghi bạo hành trẻ tự kỷ

Phụ huynh bức xúc khi giáo viên chủ nhiệm yêu cầu đóng gần 3 triệu đồng cho con đi học tập trải nghiệm, suất ăn trưa "như để giảm cân" tại một trường tiểu học quốc tế ở Đắk Lắk, xôn xao vụ nghi bạo hành trẻ tự kỷ ở Đà Nẵng,... là những thông tin giáo dục được dư luận chú ý trong tuần vừa qua.

Phụ huynh bức xúc khi phải đóng gần 3 triệu đồng cho con đi học tập trải nghiệm

Những ngày qua, một số phụ huynh chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, bày tỏ sự bức xúc khi giáo viên chủ nhiệm của một lớp 12 tại Trường THPT Lê Hồng Phong (Hải Phòng) thông báo số tiền phải đóng gồm: tiền học trong tháng 2 là 872.000 đồng và tiền đi dâng hương, học tập trải nghiệm là 2.830.000 đồng. Tổng số tiền phải nộp là hơn 3.700.000 đồng, phụ huynh đóng cho con đến ngày 9.3 để giáo viên chủ nhiệm nộp về trường.

Theo phụ huynh, nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh hơi nhiều vì đầu năm học đã tổ chức hoạt động ngoại khoá (đi Hạ Long, Quảng Ninh trong 2 ngày 1 đêm) với số tiền hơn 2 triệu đồng mỗi em. Tới nay, nhà trường lại tổ chức cho học sinh đi dâng hương, trải nghiệm với số tiền gần 3 triệu đồng. Con số này thực sự là một gánh nặng với nhiều gia đình.

Thông tin giáo dục nổi bật tuần qua: Suất ăn ở trường “như để giảm cân”, xôn xao vụ nghi bạo hành trẻ tự kỷ -0
Trường THPT Lê Hồng Phong (quận Hồng Bàng, Hải Phòng)

Thông tin về vụ việc trên, Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết Sở chỉ đồng ý cho các đơn vị trường học tổ chức hoạt động trải nghiệm của học sinh lớp 12 năm học 2023-2024 ngoài nhà trường, khi đơn vị đảm bảo được sự đồng thuận, phối hợp của cha mẹ học sinh, với kinh phí đóng góp phù hợp sức dân.

Theo Sở GD-ĐT Hải Phòng, hiện tại, Trường THPT Lê Hồng Phong đã triển khai chủ trương tổ chức chương trình trải nghiệm, có phương án riêng cho các học sinh có điều kiện, hoặc không có điều kiện tham gia. Dù ở phương án nào, yêu cầu kiến thức sau khi kết thúc hoạt động vẫn được đảm bảo.

Tuy nhiên, do vẫn có dư luận về vấn đề kinh phí đóng góp khi trường tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh lớp 12 ngoài trường, nhà trường sẽ tiếp tục xin ý kiến cha mẹ học sinh, nếu tiếp tục không nhận được sự đồng thuận, sẽ thông tin rộng rãi cho cha mẹ học sinh. Đồng thời, báo cáo Sở GD-ĐT để dừng hoạt động trải nghiệm ngoài trường theo kế hoạch, chuyển hình thức trải nghiệm trong trường.

Xôn xao vụ nghi bạo hành trẻ tự kỷ ở Đà Nẵng

Ngày 1.3, mạng xã hội xuất hiện bài viết với nội dung một phụ huynh ở Đà Nẵng tố cáo cơ sở nuôi dạy trẻ tự kỷ tại số 83, đường Tôn Quang Phiệt, quận Sơn Trà hành hung con của mình. Để chứng minh sự việc, phụ huynh đã đính kèm thêm nhiều video quay lại cảnh cô giáo dùng tay tác động lên đầu trẻ, lấy chăn (mền) đẩy vào miệng cháu…

Cùng ngày, UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) có báo cáo liên quan đến vụ việc. Theo UBND quận Sơn Trà, qua xác minh, Trung tâm giáo dục đặc biệt Cầu Vồng được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm lý - Giáo dục đặc biệt ký quyết định công nhận việc thành lập trung tâm của bà Nguyễn Thị Hậu tại số 39 đường Nguyễn Sáng (phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Lĩnh vực hoạt động là tâm lý học nói chung, tâm lý học chuyên ngành, giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật. Trung tâm giáo dục đặc biệt Cầu Vồng đã không hoạt động tại số 39 đường Nguyễn Sáng từ tháng 11.2023.

Tại số nhà 83 đường Tôn Quang Phiệt (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), Viện Nghiên cứu Tâm lý - Giáo dục đặc biệt thuê nhà từ ngày 1.1 đến 31.12, người đại diện thuê theo ủy quyền là bà Hậu. Đến nay, cơ sở này chưa được cấp phép thành lập và hoạt động giữ trẻ tại địa chỉ 83 đường Tôn Quang Phiệt của các cơ quan chức năng.

Thông tin giáo dục nổi bật tuần qua: Suất ăn ở trường “như để giảm cân”, xôn xao vụ nghi bạo hành trẻ tự kỷ -0
Lực lượng chức năng có mặt làm việc với trung tâm (Ảnh: VietNamNet)

Về thông tin nghi bạo hành trẻ được phản ánh trên mạng xã hội, qua kiểm tra thông tin ban đầu, việc nhận giữ trẻ tại cơ sở được cá nhân bà Hậu tự ý tổ chức và thuê một số người tham gia giữ trẻ từ ngày 20.2, số trẻ dao động 5-8 trẻ/ngày (theo bà Hậu trình bày).

Tại thời điểm kiểm tra (ngày 1.3), bà Hậu đã chấm dứt việc giữ trẻ, không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến việc nhận giữ trẻ tại địa chỉ trên. Công an quận Sơn Trà bước đầu đã tiến hành việc kiểm tra, xác minh theo quy định.

Phụ huynh phản ánh về suất ăn trưa "như để giảm cân" tại trường tiểu học quốc tế

Trưa 29.2, một phụ huynh đăng tải hình ảnh suất ăn của con mình tại Trường Tiểu học Quốc tế ở TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk lên mạng xã hội Facebook. Trong suất cơm này có: cơm, trứng, canh, nửa quả chuối và một ít rau xào. Phụ huynh chia sẻ thêm, đã đóng gần 3 triệu đồng/tháng cho trường. Tuy nhiên, chất lượng bữa ăn như vậy là quá tệ, bữa ăn của con như bữa ăn giảm cân, nhìn mà "không cầm được nước mắt".

Hình ảnh này sau khi xuất hiện trên mạng xã hội đã nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người tỏ ra đồng cảm với người mẹ và cho rằng bữa ăn trên là không xứng với giá tiền mà các phụ huynh bỏ ra để đóng cho con.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xác nhận có nhận được thông tin về việc phụ huynh phản ánh suất ăn trưa tại Trường Tiểu học Quốc tế khá khiêm tốn. Theo vị này, Trường Tiểu học Quốc tế là một trường tư thục, phía Phòng nắm chủ yếu về hoạt động chuyên môn. “Riêng với phản ánh vấn đề trong suất ăn, chúng tôi sẽ kiểm tra và có trao đổi lại với nhà trường về vụ việc này", vị lãnh đạo cho hay.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết đã nắm thông tin về vụ việc, phía Sở sẽ yêu cầu Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột có báo cáo Sở về nội dung này.

Yêu cầu một trường THPT dừng kế hoạch vận động phụ huynh góp tiền xây nhà gửi xe

Vụ việc Trường THPT Đồng Hòa (quận Kiến An, Hải Phòng) vận động tài trợ từ phụ huynh học sinh, cựu học sinh,... để xây dựng nhà gửi xe cũng là sự kiện gây tranh luận trong tuần vừa qua. Theo đó, nhiều phụ huynh trường này phản ánh về việc trong buổi họp toàn thể phụ huynh trước Tết, phụ huynh được thầy Hiệu trưởng vận động góp 800.000 đồng/học sinh để xây dựng nhà gửi xe.

Các phụ huynh cho rằng, khoản tiền xây dựng nhà gửi xe là đầu tư hạ tầng cơ bản, phải do cơ quan Nhà nước dùng ngân sách đầu tư công hoặc vận động doanh nghiệp, các mạnh thường quân, không thể vận động hoàn toàn phụ huynh đóng góp. Trong khi nhà xe được xây dựng, hoàn thiện đưa vào sử dụng cả năm, đến nay mới vận động phụ huynh đóng góp.

Thông tin giáo dục nổi bật tuần qua: Suất ăn ở trường “như để giảm cân”, xôn xao vụ nghi bạo hành trẻ tự kỷ -0
Trường THPT Đồng Hòa (quận Kiến An, Hải Phòng)

Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết, để chuẩn bị cho năm học 2023-2024, Trường THPT Đồng Hòa đã tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất. Trong đó, có việc sửa chữa nhà xe để đảm bảo an toàn cho học sinh. Do nhà xe hiện tại vừa xuống cấp, vừa không đáp ứng được số lượng xe của học sinh, trường có chủ trương xây dựng kế hoạch vận động, tài trợ năm học 2023-2024 và năm học 2024-2025 để sửa chữa và mở rộng nhà xe học sinh. Ngày 12.12.2023, Trường THPT Đồng Hòa báo cáo Sở GD-ĐT xin được phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ.

Tuy nhiên, trong khi chưa được Sở GD-ĐT Hải Phòng phê duyệt, ngày 15.12.2023, tại khu vực nhà để xe tiếp giáp dãy tường bao và hàng cây cau vua phía cổng trường có một số thanh xà đỡ mái nhà để xe bị sập (do rỉ sét và bẹ cau rơi thủng mái tôn) gây nguy hiểm. Do nguồn kinh phí của nhà trường còn hạn hẹp nên sau khi bàn bạc với Hội cha mẹ học sinh trường, một số phụ huynh đề xuất được hỗ trợ và tiến hành sửa chữa, mở rộng nhà để xe học sinh. Trường THPT Đồng Hòa không báo cáo Sở GD-ĐT về việc này.

Ngày 29.12.2023, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã có văn bản về phê duyệt kế hoạch vận động, tài trợ của Trường THPT Đồng Hòa năm học 2023-2024 và năm học 2024-2025. Như vậy, việc sửa chữa nhà xe đã được tiến hành trước khi Kế hoạch vận động tài trợ được Sở GD-ĐT phê duyệt - song không phải bằng kinh phí vận động theo Kế hoạch đã được phê duyệt mà do một số phụ huynh tài trợ theo hình thức “bằng hiện vật”.

Sở GD-ĐT Hải Phòng đã yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Hòa khẩn trương tổ chức phổ biến, công khai tới toàn thể Hội đồng trường, phụ huynh học sinh và học sinh để hiểu đúng về việc sửa chữa nhà xe. Bên cạnh đó, tiến hành thủ tục báo cáo Sở GD-ĐT về việc dừng thực hiện Kế hoạch vận động tài trợ đã được phê duyệt; thủ tục tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật theo đúng quy định, đúng thẩm quyền. 

Khảo sát PISA:Học sinh Việt Nam có điểm Toán xếp thứ 31/81 quốc gia

Ngày 28.2, Bộ GD-ĐT công bố kết quả khảo sát PISA Việt Nam năm 2022 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh  tế (OECD) thực hiện. Kết quả này được OECD công bố công khai từ bài khảo sát về Toán, Đọc hoặc Khoa học của 6068 học sinh ở 178 trường, đại diện cho khoảng 939.500 học sinh 15 tuổi ở Việt Nam.

Theo đó, điểm trung bình 3 môn của học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia, đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN sau Singapore. Thứ tự các nước ASEAN như sau: Singapore: 1/81; Brunei: 42/81; Malaysia: 47/81; Thailand: 63/81; Indonesia: 69/81; Philippines: 77/81; Campuchia: 81/81.

Đối với môn Toán: Việt Nam xếp thứ 31/81 quốc gia (thứ tự các nước ASEAN như sau: Singapore: 1/81; Brunei: 40/81, Malaysia; 40/81; Thailand: 58/81; Indonesia: 69/81; Philippines: 75/81; Campuchia: 81/81). Môn Khoa học: Việt Nam xếp thứ 35/81 quốc gia. Môn đọc: học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia.

Thông tin giáo dục nổi bật tuần qua: Suất ăn ở trường “như để giảm cân”, xôn xao vụ nghi bạo hành trẻ tự kỷ -0
Điểm trung bình 3 môn của học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia, đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN

Học sinh Việt Nam có điểm Toán thuộc nhóm cao nhất chỉ sau Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc khi tính theo chỉ số PISA về điều kiện kinh tế - xã hội.

Chỉ số PISA về tình trạng kinh tế - xã hội và văn hóa được tính toán sao cho tất cả học sinh tham gia kỳ thi PISA, bất kể họ sống ở quốc gia nào, đều có thể được xếp vào cùng một thang đo kinh tế - xã hội. Điều này có nghĩa là có thể sử dụng chỉ số này để so sánh kết quả học tập của học sinh có hoàn cảnh kinh tế - xã hội tương tự ở các quốc gia khác nhau.

Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội

Các “chàng trai Vàng” Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 gồm: Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Sĩ Hiếu, Đặng Tuấn Anh; cùng Nguyễn Hữu Tiến Hưng - Huy chương Vàng, thí sinh có điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) 2024 cùng chọn theo học ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3
Giáo dục

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3

Ngày 16.9, Chi bộ, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. 

Cô giáo tâm huyết với nghề
Giáo dục

Cô giáo tâm huyết với nghề

Tâm huyết với nghề, giàu kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, cô giáo Vũ Thị Vân (SN 1976), Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phương Sơn (Lục Nam) luôn được đồng nghiệp, học sinh tin yêu.

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất
Giáo dục

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất

Thương cảm với hoàn cảnh em nhỏ trong vụ sạt lở đất ở Cuối Hạ - Kim Bôi (Hoà Bình) khi mất cả cha lẫn mẹ, hai anh em ruột Nguyễn Gia An - lớp 4A2 và Nguyễn Minh Tuấn - lớp 1A1, Trường Tiểu Học Trần Hưng Đạo, TP. Hoà Bình đã đập lợn tiết kiệm để góp tiền ủng hộ 15 triệu đồng.

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ
Giáo dục

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Thư cho biết, sau đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 2 giáo viên và 7 học sinh thiệt mạng, 1 học sinh bị thương. Bên cạnh đó, 40 cơ sở giáo dục bị hư hỏng, ảnh hưởng do ngập nước, sạt lở.