Không dùng tiền mặt giúp tăng tính minh bạch
Thông tư 55/2011 và Thông tư 16/2018 của Bộ GD-ĐT quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh cũng như cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nếu xảy ra sai phạm về lạm thu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà dù có quy định, tình trạng lạm thu vẫn cứ diễn ra mỗi dịp đầu năm học.
Do đó, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc quy định mọi khoản thu trong trường học không dùng tiền mặt giúp tăng tính minh bạch và trên hết, giải phóng sức lao động của phụ huynh, giáo viên, cán bộ thu ngân và đặc biệt giảm tình trạng lạm thu - vấn nạn dư luận xã hội quan tâm. Với phương án này, phụ huynh không phải đến trường xếp hàng nộp tiền. Nhà trường cũng giảm bớt các chi phí đi kèm và tiết kiệm nhân sự.
Nhằm hiện thực hóa Đề án “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ, không chỉ thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà nhiều địa phương đang đẩy mạnh chủ trương không thu tiền mặt mọi khoản thu trong trường học. Trong đó, Quảng Ngãi, từ năm học 2023 - 2024, các trường học sẽ áp dụng phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu cơ sở giáo dục không thu tiền mặt và các khoản thu ngoài quy định từ năm học 2023 - 2024.
Qua quá trình triển khai, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt hiện hữu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì thế nếu áp dụng phương án này trong các cơ sở giáo dục, đào tạo cũng bình thường, không có gì đột biến; thậm chí đây là giải pháp phù hợp trước bối cảnh ngành Giáo dục đang đẩy mạnh chuyển đổi số.
Liên quan đến việc không thu bằng tiền mặt trong cơ sở giáo dục, đào tạo, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đồng quan điểm và cho rằng, đây là giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn lạm thu.
Tuy nhiên, để chủ trương thành hiện thực và hoạt động hiệu quả, cần chú trọng khâu tổ chức thực hiện; trong đó quan tâm, nhấn mạnh đến yếu tố pháp quy và điều kiện thực tiễn của các địa phương. Bởi lẽ, “trường học không tiền mặt”, đồng nghĩa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ phải đồng bộ. Chẳng hạn, độ phủ sóng của ngân hàng, việc dùng mạng Internet (nếu sử dụng dịch vụ Internet Banking phải được đầu tư, thiết kế ra sao cho hợp tình và lý…).
Tránh độc quyền chỉ dùng một app hay ngân hàng duy nhất
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, để việc số hóa các khoản thu "triệt tiêu" được lạm thu trong trường học, Chính phủ, Bộ GD-ĐT cần có văn bản pháp lý quy định bắt buộc cơ sở giáo dục, đào tạo không thu tiền mặt mọi khoản thu của phụ huynh, người học.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi, không gây khó khăn, bức xúc cho phụ huynh trong quá trình thanh toán, TS Nguyễn Tùng Lâm cần tránh độc quyền chỉ dùng một app hay ngân hàng duy nhất. Các trường cần đưa ra nhiều lựa chọn để phụ huynh chọn phương án phù hợp nhất.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng đề xuất, khi thực hiện cần có lộ trình và đề cao nguyên tắc: Phụ huynh, học sinh được quyền lựa chọn phương thức thanh toán. "Nếu không, những mục đích, tiện ích của thanh toán không tiền mặt sẽ ít mang lại giá trị", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Khẳng định việc số hóa các khoản thu là hướng đi tích cực để ngăn chặn lạm thu, tuy nhiên, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV Tăng Thị Ngọc Mai vẫn cho rằng, nếu văn bản quy định về vấn đề này không đủ chặt chẽ, trường vẫn tìm cách đối phó. Do đó, bà Mai khẳng định, vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục vẫn là yếu tố quan trọng nhất.
"Trường hợp cần thiết có thể đình chỉ công tác hoặc cách chức; thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn bao giờ hết, hiệu trưởng phải chấp hành đúng Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT và các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố cũng như văn bản của sở GD-ĐT về thu chi đầu năm học", bà Mai kiên quyết.