Trong công văn ban hành ngày 26.4, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã nhận được thông tin dư luận xã hội phản ánh tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố có hiện tượng giáo viên định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập năm học 2022-2023 chưa cao không đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT năm học 2023-2024.
Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu Trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm (nếu có tình trạng nêu trên).
Đồng thời, quán triệt, chỉ đạo văn bản tới tất cả các trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo (nếu có).
“Việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc”, công văn của Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh.
Cũng tại công văn này, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã và Hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn chịu trách nhiệm trước Sở GD-ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra hiện tượng trên và kịp thời tổng hợp, báo cáo bằng văn bản về Sở GD-ĐT (qua phòng Giáo dục trung học) trước 15h ngày 28.4.
Trước đó, Báo Đại biểu Nhân dân cùng nhiều cơ quan báo chí khác đã nhận được thư phản ánh của phụ huynh có con đang học tại lớp 9A4, Trường THCS Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) về việc con gái anh cùng nhiều bạn khác có học lực chưa tốt thường xuyên bị cô giáo chủ nhiệm “thao túng tâm lý” và "ép" không được thi vào lớp 10 công lập.
Vị phụ huynh kể, sau cuộc họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm lớp 9A4 đã mời riêng 9 phụ huynh của các học sinh có điểm thi yếu ở lại để tư vấn. Tuy nhiên, đây gần như một hình thức “ép”, thậm chí có tính chất đe dọa nếu phụ huynh vẫn muốn cho con tham gia kỳ thi vào lớp 10.
Khi nhóm 9 phụ huynh vẫn muốn đăng ký nguyện vọng thi vào lớp 10 công lập cho con, cách nói của cô gần giống như một sự đe dọa.
“Cô nói rằng “sức chiến đấu” của các con phải tốt thì mới thi được, cô sẽ phải “test sức khỏe” cho các con trước khi cho ra đấu trường. Nếu các con thật sự khỏe thì sẽ đi thi, còn nếu “chưa đủ khỏe” thì đành phải rèn luyện thêm rồi thi sau. Đặc biệt, cô nhấn mạnh rằng nếu như cô “nhập điểm” vào mà các con trượt tốt nghiệp thì các con sẽ phải học lại. Bố mẹ sẽ phải chấp nhận điều này”, phụ huynh nói, đồng thời cung cấp băng ghi âm có chia sẻ của cô giáo.
Người cha bức xúc chia sẻ, việc cô dùng từ “nhập điểm” rất nguy hiểm, bởi điều này đồng nghĩa rằng nếu cố chấp cho thi, có thể các con sẽ không đủ điều kiện tốt nghiệp THCS, phải ở lại lớp. Sau cuộc gặp gỡ với giáo viên, một số phụ huynh khác rất bất ngờ khi trên eNetViet, toàn bộ dữ liệu về điểm số năm lớp 9 của con “trắng xóa”. Đây chính là sự bất thường khiến họ cảm thấy con mình đang gặp nguy hiểm.
Đặc biệt, con gái anh tâm sự rằng, trước đó cô giáo đã làm “công tác tư tưởng” với nhóm học sinh có điểm thi kém suốt một thời gian dài, nêu tên từng em trên lớp và nói rằng tốt nhất không nên thi. Nhiều học sinh rất buồn, bỏ bữa, biểu hiện tâm lý bất ổn khi rơi vào hoàn cảnh này.
Liên quan đến vụ việc, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Xuân Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang. Bà Oanh khẳng định, quan điểm của Trường THCS Kim Giang là giáo viên chủ nhiệm khối 9 chỉ có nhiệm vụ tư vấn cho cha mẹ học sinh. Nhà trường tuyệt đối không ủng hộ việc thầy cô yêu cầu hay ép học sinh không được thi vào lớp 10 công lập.
“Quan điểm đó nhà trường hoàn toàn không đồng tình, không ủng hộ và không chỉ đạo như vậy. Trong tất cả cuộc họp với giáo viên, tôi luôn dùng đúng một từ chuẩn là “tư vấn”, nhắc đi nhắc lại rằng thầy cô chỉ làm nhiệm vụ tư vấn, còn quyền quyết định là của cha mẹ học sinh”, bà Oanh nói.
Bà Oanh cũng nhấn mạnh, bất kỳ giáo viên nào làm không đúng với quan điểm chỉ đạo sẽ chịu trách nhiệm trước nhà trường, sẽ có những biện pháp xử lý tùy theo mức độ.
Về việc bảng điểm lớp 9 của một số học sinh đột nhiên không còn dữ liệu sau khi được cô giáo chủ nhiệm “nhắc nhở”, nữ Hiệu trưởng chưa có câu trả lời rõ ràng, cho biết sẽ kiểm tra lại toàn bộ thông tin. “Vấn đề quản lý công nghệ thông tin, quản lý điểm đã giao thầy Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn phụ trách. Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này”, bà Oanh nói.
Ngay sau buổi làm việc của phóng viên các cơ quan báo chí với lãnh đạo Trường THCS Kim Giang, nhóm phụ huynh lớp 9A4 chia sẻ với phóng viên, bảng điểm học tập của các học sinh đã được hiển thị trở lại trên eNetViet.