Đó là ý kiến của các đại biểu thuộc Tổ thảo luận số 5 với chủ đề “Sinh viên tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị”. Đây là một trong 10 chủ đề trọng tâm của công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam được các đại biểu dự Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 thảo luận chiều 19.12.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên
Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh Phan Thuỳ Linh cho rằng, trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thanh niên, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên như: các buổi sinh hoạt chủ điểm, sinh hoạt chính trị, học tập Nghị quyết và Luật Thanh niên còn chưa thực sự mang lại hiệu quả; một bộ phận các bạn học sinh, sinh viên không muốn kết nạp đảng do thờ ơ, không có lý tưởng...
Mặt khác, một số cấp bộ Đoàn, Hội trong sinh viên chưa chủ động tham mưu với các cấp uỷ đảng, chính quyền trong quá trình cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên; cùng với đó là tác động của các thế lực thù địch với nhiều thủ đoạn tinh vi và thường xuyên hơn thông qua các nền tảng mạng xã hội, dẫn tới một bộ phận nhỏ sinh viên, đoàn viên thiếu bản lĩnh chính trị bị lôi kéo, kích động, nhận thức sai lầm về đường lối của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa; vấn đề bồi dưỡng quần chúng để kết nạp vào đảng chưa thật sự sâu sát trong từng khâu.
Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh Phan Thuỳ Linh bày tỏ mong muốn, Hội Sinh viên Việt Nam cần tạo thêm nhiều cơ hội, nghiên cứu kỹ hơn về phẩm chất chính trị, kiến thức, trình độ chuyên môn, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp đảng những đoàn viên ưu tú; nghiên cứu những giải pháp phát triển đoàn viên, đảng viên nói chung và đối với sinh viên ở các trường trung học phổ thông, đại học, cao đẳng nói riêng. Từ đó, đề xuất tới cấp có thẩm quyền quan tâm đến một số nội dung nhằm tăng cường xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ, có trình độ, phẩm chất tốt, dồi dào về thể lực, trong sáng về đạo đức, góp phần tạo nguồn cán bộ kế cận.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Đạt, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, sinh viên ngày nay hầu hết đều sử dụng mạng xã hội. Nhưng các ứng dụng mạng xã hội cũng là một “mảnh đất”, công cụ mà các thế lực thù địch có thể sử dụng để xuyên tạc thông tin và kích động chống phá hệ thống chính trị. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận mạng xã hội không chỉ là một thách thức mà còn là một cơ hội để tiếp cận sinh viên, truyền đạt thông tin chính trị đúng đắn và khơi gợi tinh thần yêu nước của các bạn.
Để tăng số lượng và chất lượng đảng viên là sinh viên, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch Nguyễn Tuấn Đạt cho rằng, cần mạnh dạn xác định chỉ tiêu: 100% Ban Thư ký Hội Sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viện là đảng viên hoặc sẽ gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian là sinh viên. Với xuất thân là những bạn thủ lĩnh sinh viên xuất sắc của các trường, tôi tin tưởng rằng việc này sẽ tạo ra một đội ngũ Ban Thư ký Hội Sinh viên vững vàng chính trị nhưng đầy sáng tạo và chất lượng, và tạo cơ hội để các bạn trở thành các cán bộ nguồn tại các đơn vị làm việc sau khi tốt nghiệp…
Đồng tình với quan điểm đó, các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, cần tiếp tục duy trì và phát huy đội ngũ Đảng viên trẻ là sinh viên, tạo thêm động lực, cơ hội cho hội viên, sinh viên có môi trường tiếp cận đối với các đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước để các bạn sinh viên ưu tú nỗ lực phấn đấu phát triển toàn diện, trở thành người lãnh đạo, Đảng viên tốt và công dân tốt cho xã hội, cho đất nước.
Huy động sức mạnh của sinh viên
Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trường Đại học Sài Gòn Trần Thanh Mẫn bày tỏ quan điểm, việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị là trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt là sinh viên - những người sẽ định hình tương lai của đất nước. Thông qua việc hiểu rõ về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị, sinh viên có thể đóng góp tích cực thông qua việc tham gia vào các hoạt động cộng đồng, tìm hiểu về chính sách, đóng góp ý kiến và thể hiện quan điểm của mình.
Để hướng đến mục tiêu xây dựng một tổ chức, một hệ thống chính trị mạnh mẽ và minh bạch thì sinh viên đóng một vai trò chức kỳ quan trọng. Hiện nay, sinh viên của chúng ta đa phần thuộc thế hệ GenZ và tiệm cận Gen Alpha, chính vì vậy họ có thể mang đến những ý tưởng mới, sáng tạo và cách nhìn đa dạng, đa chiều về các vấn đề xã hội và chính trị. Nên việc khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên thể hiện quan điểm của mình sẽ làm giàu thêm bức tranh chính trị và đem lại sự đa dạng trong các quyết định, chính sách xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.
“Để có thể thúc đẩy sự tham gia tích cực của sinh viên trong việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chúng ta cần hình thành ý thức chính trị của các bạn sinh viên từ sớm thông qua việc triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các chương trình, hoạt động ngoại khóa, không gian để sinh viên thảo luận, học hỏi, thực hành kỹ năng lãnh đạo, quản lý…
Đại biểu Phùng Hữu Nhân, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh cho rằng, sinh viên Việt Nam thời đại mới là những cá nhân chính trị với ý thức chính trị tự chủ và sự nhận thức cá nhân về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề chính trị trong nước và quốc tế. Mỗi cá nhân Sinh viên sống và làm việc theo tư tưởng đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư.
Tuy nhiên, vẫn còn hiện trạng sinh viên Việt Nam ở ngoài nước còn chưa có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vì vậy, số lượng các Đảng viên là sinh viên Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế… Vẫn còn những sinh viên ở nước ngoài thiếu quan tâm tới việc phát triển sự nghiệp chính trị và tham gia hàng ngũ của Đảng. Một phần lí do là vì các bạn có xu hướng phát triển theo hướng tư nhân hoặc định cư, làm việc tại nước ngoài…
Để khắc phục những hạn chế đó và tăng cường sự đóng góp của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thời gian tới Hội Sinh viên Việt Nam, những đảng viên là sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên… ở nước ngoài cần tiếp tục là cầu nối giữa Đảng uỷ với những sinh viên, học sinh ưu tú, cộng đồng sinh viên.
Tại buổi Thảo luận tổ, các đại biểu cũng cho rằng, Hội Sinh viên Việt Nam cần quan tâm hơn trong việc tuyên truyền, giúp các bạn hiểu và nhận ra được trách nhiệm của bản thân trong việc phát triển Đảng dù môi trường làm việc là công lập hay tư nhân. Như vậy, Đảng viên là du học sinh sẽ được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng… Bên cạnh đó, chúng ta sẽ mở rộng mạng lưới rộng khắp, qua đó không bỏ sót những trường hợp là học sinh, sinh viên ưu tú có thể đóng góp cho công cuộc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Đất nước…