Tài chính tiêu dùng Việt Nam đang nổi lên đầy sức hút trong khu vực với sự tham gia của nhiều loại hình kinh doanh. Mặc dù còn chiếm tỉ lệ rất nhỏ nhưng tài chính tiêu dùng đang phát triển với mức tăng trưởng nóng, được coi là kênh dẫn vốn tích cực trong nền kinh tế. Tại Việt Nam, chỉ có 16 công ty tài chính được Ngân hàng nhà nước cấp phép hoạt động theo luật các tổ chức tín dụng nhưng đã cấp vốn tới hơn 30 triệu người dân với dư nợ bình quân 30 – 35 triệu/ người. Tuy nhiên, sự tham gia nhanh chóng của các hình thức cho khác như cầm đồ, vay qua app… cũng gây ra nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi các công ty phải chủ động thay đổi, đi trước đón đầu.
SHBFinance, tiền thân là công ty con trực thuộc hệ sinh thái của ngân hàng SHB, cách đây hơn 1 năm đã tạo tiếng vang lớn khi thu hút sự quan tâm của ngân hàng ngoại và đã nhanh chóng trở thành cái tên đình đám khi đạt được thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn giữa 2 ngân hàng của Việt Nam và Thái Lan.
Thế lực của 2 “gã khổng lồ” đỡ đầu SHBFinance
Lễ công bố chủ sở hữu mới của SHBFinance diễn ra ngày 02/6 vừa qua đánh dấu sự gia nhập chính thức của tập đoàn tài chính Krungsri Thái Lan vào Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, SHBFinance thuộc sở hữu 50% của SHB và 50% bởi Krungsri.
Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vốn được biết đến nằm trong top 5 ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam với 30 năm hình thành và phát triển. SHB hiện có hơn 9.500 cán bộ công nhân viên, 532 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 5 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối tới 500 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục.
Tính đến hết Quý I/2023, tổng tài sản của SHB đạt hơn 570 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn điều lệ của SHB đạt 30.674 tỷ đồng, duy trì vị trí trong Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất toàn hệ thống. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 408 nghìn tỷ đồng, Huy động vốn khách hàng đạt trên 440 nghìn tỷ đồng. Các chỉ số an toàn, thanh khoản, quản lý rủi ro của SHB đều đạt tốt hơn so với các mức quy định của Ngân hàng Nhà nước và theo các chuẩn mực quốc tế.
Ngoài Top 5 Ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam, SHB còn thuộc Top 10 Ngân hàng Thương mại cổ phần uy tín nhất Việt Nam, Top 50 Doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam, Top 100 Ngân hàng khu vực ASEAN, Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu và là 1 trong 10 tổ chức tín dụng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Riêng SHBFinance, trong gần 5 năm thành lập, nhờ sức mạnh của ngân hàng mẹ SHB, SHBFinance đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới, đạt tốc độ phát triển phi mã. Đến hiện tại, SHBFinance cán mốc hơn 7.000 nhân sự, giữ vị trí top 8 công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, hoạt động tại 51 tỉnh thành toàn quốc.
Đối tác của SHB trong thương vụ chuyển vốn tại SHBFinance cũng là một trong những gã khổng lồ trong ngành tài chính Thái Lan. Tập đoàn tài chính Krungsri có 75 năm hình thành và phát triển, là thành viên chiến lược của Tập đoàn tài chính Nhật Bản MUFG, hiện mở rộng sự hiện diện tại 5 quốc gia trong khu vực.
Ngoài ra, Krungsri còn được biết đến là nhà phát hành thẻ lớn nhất Thái Lan, công ty quản lý tài sản có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, nhà tiên phong trong dịch vụ tài chính cá nhân, dịch vụ tài chính xe cá nhân, thuộc top 5 tổ chức tài chính lớn nhất với 683 chi nhánh và hơn 33,461điểm giao dịch toàn quốc.
Chiến lược tận dụng thế và lực của người khổng lồ
Chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tiếp theo, SHBFinance đã có những nước đi cần thiết, cẩn trọng từ rất sớm. Tuyển dụng đội ngũ lãnh đạo cấp cao giàu kinh nghiệm quốc tế và am hiểu thị trường Việt Nam là bước đi chiến lược để SHBFinance tăng tốc chuyển đổi, tăng cường chất lượng dịch vụ.
Với đội ngũ dày dặn kinh nghiệm từ vận hành, quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm tới phát triển công nghệ, SHBFinance đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống sản phẩm gồm thẻ tín dụng, sản phẩm số trong quý III/2023 và hướng tới đạt mốc tối thiểu 3 triệu khách hàng trong vòng 5 năm tới. Trong đó, 50% khách hàng sử dụng ứng dụng số của SHBFinance, nằm trong top 4 công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, thương hiệu tuyển dụng được yêu thích nhất.
SHBFinance cũng chia sẻ 5 hành động chiến lược mà công ty này đặt làm trọng tâm gồm: Xây dựng giá trị khách hàng và trải nghiệm người dùng, cải tiến công nghệ - quy trình, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, phát triển sản phẩm - mở rộng đối tác và phát triển đội ngũ.
Được cho là một chiến lược đầy tham vọng, Bà Olena Khlon, Phó Tổng giám đốc Thường trực SHBFinance cho hay: “Nói đúng hơn thì đây là một kế hoạch rất thách thức, tuy nhiên chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để nhanh chóng từng bước hiện thực hóa. Ngoài lợi thế về nguồn vốn, chúng tôi có sự hậu thuẫn của SHB với sự am hiểu thị trường Việt Nam cùng hệ sinh thái rộng lớn. Bên cạnh đó là sự tham gia chặt chẽ của các chuyên gia cao cấp của Krungsri cùng việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ từ tập đoàn mẹ.”
Hiện tại, SHBFinance đã ký kết hợp tác cùng các công ty thành viên trong hệ sinh thái SHB nhằm cung cấp chéo các sản phẩm, dịch vụ. Cùng với đó, việc mở rộng cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số như VNPT, True Money, Vega Fintech cũng đã được triển khai nhằm cung cấp dịch vụ nhanh và thuận tiện nhất tới người dùng.