Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Mạnh Đông cho biết như vậy tại hội thảo Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu, diễn ra sáng 23.12. Hội thảo do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển tổ chức.
Vẫn thiếu cơ sở dữ liệu
Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người đang sinh sống, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ; là cộng đồng trưởng thành, mạnh mẽ, có trình độ cao, ngày càng trẻ hóa, hiện diện trên hầu khắp các lĩnh vực, trong đó có nhiều nguồn lực tri thức, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, nếu như trước đây, các doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ thì giờ đã mở rộng, trong đó có các doanh nghiệp liên quan đến những ngành mới như công nghiệp số, công nghệ thông tin… Đây là điểm rất đáng mừng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông phát biểu.
Nhằm hưởng ứng và phát huy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lan rộng trên khắp Việt Nam cũng như trong cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới; phát huy tối đa xu thế liên kết, hình thành các mạng lưới đổi mới sáng tạo của người Việt Nam ở nước ngoài như tại châu Âu, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…, Bộ Ngoại giao (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) và Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ) đã triển khai Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu.
Thông qua chương trình đã giúp kết nối giữa mạng lưới trí thức, chuyên gia với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nước, tạo sân chơi và từ sân chơi dẫn đến những kết quả thực chất, với những thỏa thuận hợp tác, bản hợp đồng đem lại lợi ích chung cho các bên, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và cộng đồng.
Dù vậy, ông Nguyễn Mạnh Đông cho rằng, hiện vẫn chưa có cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài. Gần đây, một số chuyên gia, trí thức người Việt trên thế giới đã lập ra Vietsearch, với khoảng 10.000 dữ liệu về chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài.
Chúng tôi đề nghị tiếp tục nâng cấp và đưa mạng lưới 10.000 dữ liệu đó thực sự đi vào cuộc sống. Với vai trò của mình, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ thúc đẩy để cùng các cơ quan liên quan hình thành cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó thu hút đội ngũ này đóng góp vào sự phát triển đất nước, ông Nguyễn Mạnh Đông thông tin.
Cùng với tăng cường liên kết, xây dựng dữ liệu về mạng lưới chuyên gia, trí thức trên khắp các châu lục, ông Đông đề xuất, cần tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa các hình thức kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; biến những nỗ lực kết nối này thành nhiều kết quả thực tiễn hơn nữa, không dừng ở mức sân chơi mà cần biến những hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo thành thị trường, thương trường mới.
Đặt đầu bài cho chuyên gia phải “hay và khó”
Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất bổ sung, hiện, chúng ta đã có những cơ chế, chính sách đặc thù. Chẳng hạn, theo Luật Thủ đô, cho phép các trường đại học, cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ công lập trên địa bàn được phép góp vốn thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại trường; cho phép viên chức ở các cơ sở giáo dục và đào tạo được điều hành doanh nghiệp khoa học và công nghệ thành lập tại trường/cơ sở giáo dục và đào tạo.
Khẳng định đây là đột phá rất lớn, song theo Cục trưởng Phạm Hồng Quất, vấn đề quan trọng là phải thành lập được doanh nghiệp có nhà đầu tư đi cùng, gắn với tập đoàn lớn mới ra được thị trường; thậm chí phải gắn với kiều bào để ra thị trường quốc tế. Nếu không, nguồn lực trong nước dù có được giải phóng với các cơ chế chính sách đột phá, cũng khó trở thành nguồn thu nhập mới cho nền kinh tế.
Nhấn mạnh chúng ta có một hệ thống chuyên gia quốc tế rất mạnh, không chỉ trong lĩnh vực khởi nghiệp mà ở các lĩnh vực khác, song việc kết nối hiện vẫn lẻ tẻ, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, Nghiên cứu trưởng chuỗi Chiến lược Dữ liệu Quốc gia Lê Nguyễn Thiên Nga cho rằng, cần có sự phối hợp với Chiến lược Dữ liệu Quốc gia để xây dựng cơ sở dữ liệu các chuyên gia này. Cùng với đó, cần có chính sách để liên kết mạnh mẽ hơn với đội ngũ chuyên gia, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài để giải quyết các bài toán cụ thể, trong những trường hợp cụ thể, bao gồm xây dựng cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực từ toàn cầu về đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Từng tiếp xúc với nhiều nhà khoa học là người Việt Nam sinh sống, làm việc tại nước ngoài, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT Hoàng Nam Tiến cho biết, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu không ngại khó. Họ chấp nhận mức lương có thể thấp hơn khi về Việt Nam, nhưng điều họ thực sự mong muốn là được giải những bài toán phải hay và khó, ông Tiến lưu ý.
Cũng theo ông Hoàng Nam Tiến, cần có một cơ quan đứng ra “cầm cờ” để thu hút, tập hợp đội ngũ chuyên gia này, đó là Bộ Ngoại giao.
Theo đó, mỗi khi Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có các chuyến thăm và làm việc tại nước ngoài, có thể tổ chức cuộc gặp mặt giữa Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đội ngũ trí thức ở nước sở tại, đặt đầu bài cụ thể như đất nước đang cần đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, các chuyên gia có thể về nước đào tạo không, hoặc có thể gửi tài liệu đào tạo không, ông Hoàng Nam Tiến đề xuất, đồng thời tin tưởng, đội ngũ trí thức này đều có tinh thần yêu nước, đặc biệt là họ ý thức được về sứ mệnh và trách nhiệm, sẽ đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu dựa trên hình thức cố vấn 1:1 giữa chuyên gia người Việt Nam trên toàn cầu (Mentor) với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn (Mentee) để giúp các doanh nghiệp này hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh, phát triển thị trường quốc tế.
Được triển khai từ năm 2021 - 2023, chương trình có sự tham gia của 17 Mentor giàu kinh nghiệm. Các Mentor sinh sống và làm việc tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, như Việt Nam, Australia, Mỹ... Chương trình cũng đã kết nối 20 startups tiềm năng trên khắp các nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng như Blockchain, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, nông nghiệp, truyền thông...