
Đúng như nhà sử học Trần Văn Giàu - một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng trong Cách mạng tháng Tám - đã đánh giá: Không có sự chuyển hướng chiến lược do Cụ Hồ đề nghị thì không có Việt Minh, mà không có Việt Minh thì không có Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Mặt trận Việt Minh là một sáng tạo tuyệt vời của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất ở Việt Nam.
Tập trung cho mục tiêu giải phóng dân tộc
Trong quá trình tìm đường cứu nước, sau khi tiếp cận được chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc chẳng những sớm ý thức được tầm quan trọng mà còn đặt nhiệm vụ hàng đầu của công cuộc giải phóng dân tộc là phải nhanh chóng tiến hành tập hợp, tổ chức, giáo dục và giác ngộ quần chúng. Trong “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người đã chỉ rõ: “Ở Đông Dương chúng ta có đủ tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn... nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức”.
Ngày 28.1.1941, giữa lúc tình hình thế giới và trong nước có rất nhiều biến chuyển, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ tháng 2 - 4.1941, Người đã cho xây dựng thí điểm các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng. Việc thí điểm lập Mặt trận Việt Minh đã được thực hiện ở ba châu: Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình. Trong 3 tháng đã có 2.000 người tham gia các đoàn thể cứu quốc…
Tháng 5.1941, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, họp từ ngày 10 - 19.5.1941. Hội nghị đã xem xét các chính sách của Đảng, phân tích tình hình thực tế và khẳng định: Nhiệm vụ chủ yếu và trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là giải phóng dân tộc, cần tạm gác khẩu hiệu cách mạng thổ địa, đồng thời nêu thêm khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng… để lôi kéo địa chủ tiến bộ, thu hút thêm lực lượng, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp - Nhật, tập trung cho mục tiêu giải phóng dân tộc.
Hội nghị nêu rõ: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không thực hiện được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Tạo dựng tổ chức quần chúng rộng lớn, tổ chức chặt chẽ
Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. Kết quả tổ chức thí điểm Mặt trận Việt minh ở Cao Bằng là cơ sở thực tiễn để Trung ương đánh giá tình hình và quyết định triển khai rộng Mặt trận Việt Minh.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 đã nêu rõ cách Đảng lãnh đạo Việt Minh: “Đảng ta lãnh đạo Việt Minh hai cách: 1) Đảng ta nhân danh là một đoàn thể cứu quốc khác, ở đó Đảng ta có thể đưa chính sách cách mạng của mình ra đề nghị với Việt Minh, lại có thể hăng hái tham gia trực tiếp chỉ huy các cuộc tranh đấu của quần chúng trong Việt Minh. 2) Nhờ các đảng viên của Đảng ta tham gia các đoàn thể cứu quốc như công, nông, phụ nữ, thanh niên mà có thể đem chính sách của Đảng ta tuyên truyền phổ biến trong Việt Minh”.
Ngày 25.10.1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ. Bản Điều lệ viết: “Tổng huyện phủ châu kì cấp nào có Ban chấp hành Việt Minh cấp ấy. Việt Minh toàn quốc có Tổng bộ”. Nhờ chính sách đúng của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 và sự quyết tâm thực hiện của toàn Đảng, phong trào Việt Minh đã nhanh chóng lan rộng. Cao Bằng trở thành trung tâm của phong trào cứu quốc cả nước. Ở các tỉnh khác thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ phong trào Việt Minh bắt đầu được nhen nhóm từ cuối năm 1941 đến năm 1942.
Đến giữa tháng 8.1945, cao trào kháng Nhật cứu nước đã phát triển đến đỉnh điểm. Dưới ngọn cờ đoàn kết dân tộc, Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã tạo được ưu thế về sức mạnh dân tộc, sẵn sàng và quyết tâm vùng lên khởi nghĩa.
Quốc dân Đại hôi do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào trong hai ngày 17 - 18.8.1945. Đại hội cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong gần 2 tuần lễ, chính quyền của địch hoàn toàn sụp đổ, các Ủy ban Nhân dân lâm thời thành lập và ra mắt Nhân dân trước các cuộc mít tinh lớn.
Mặt trận Việt Minh ra đời là sự tiếp nối cả quá trình chuẩn bị và tập dượt lâu dài từ khi có Đảng. Thông qua Mặt trận Việt Minh, Đảng đã tạo dựng được một tổ chức quần chúng rộng lớn, có tổ chức chặt chẽ, làm nòng cốt cho khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.