Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 53.979 cơ sở giáo dục, trên 25 triệu học sinh, sinh viên (trong đó có hơn 2 triệu sinh viên). Tổng số giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động là khoảng 1,6 triệu.
TP Hà Nội: Học sinh hân hoan tham dự lễ khai giảng năm học mới
Ngày 5.9, nhiều trường trên địa bàn TP. Hà Nội đã tổ chức khai giảng năm học 2024 - 2025. Tinh thần của lễ khai giảng năm nay là gọn nhẹ nhưng trang trọng và tươi vui.
Trong không khí trang trọng và phấn khởi, sáng ngày 5.9, Trường THCS Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2024-2025. Buổi lễ năm nay đặc biệt có ý nghĩa khi trường vừa hoàn thành quá trình sửa chữa và bổ sung cơ sở vật chất, hứa hẹn mang đến một môi trường học tập hiện đại, tiện nghi hơn cho học sinh.
Năm học mới này đánh dấu bước ngoặt quan trọng của trường THCS Láng Hạ khi hàng loạt hạng mục cơ sở vật chất mới đã được hoàn thiện. Các phòng học, phòng thí nghiệm, và thư viện đều đã được nâng cấp toàn diện, tạo nên một không gian học tập và hoạt động ngoại khóa lý tưởng.
Phòng học của trường giờ đây không chỉ rộng rãi hơn, mà còn được trang bị hệ thống chiếu sáng và điều hòa không khí hiện đại. Điều này không chỉ giúp các em học sinh thoải mái trong những ngày hè nóng bức mà còn tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập và tiếp thu kiến thức.
Ngoài ra, các phòng học còn được lắp đặt tivi thông minh, giúp thầy cô có thể dạy học một cách sinh động và hiệu quả hơn. Thư viện trường cũng đã được mở rộng và bổ sung thêm nhiều đầu sách mới.
Em Đỗ Anh Khang, học sinh lớp 6A3 chia sẻ: "Em rất vui và háo hức khi được học tại trường THCS Láng Hạ. Các phòng học rất đẹp và hiện đại, em tin rằng chúng em sẽ học tốt hơn với những trang thiết bị mới này."
Trong buổi lễ, đại diện lãnh đạo phường Láng Hạ cũng đã có mặt để chia vui cùng thầy và trò trường THCS Láng Hạ. Lãnh đạo phường Láng Hạ phát biểu: "Chúng tôi hy vọng rằng, với những điều kiện tốt như hiện nay, trường THCS Láng Hạ sẽ ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong công tác giáo dục".
Việc nâng cấp cơ sở vật chất không chỉ đơn thuần là cải thiện về mặt hình thức, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường. Với một môi trường học tập tiện nghi, hiện đại, học sinh sẽ có nhiều động lực hơn trong việc học tập và phát triển kỹ năng. Đồng thời, giáo viên cũng có điều kiện tốt hơn để truyền đạt kiến thức và khơi dậy đam mê học tập ở các em.
Cũng trong ngày 5.9, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam tổ chức lễ khai giảng năm học 2024 - 2025. Từ 6h30 sáng, sân trường đã rộn ràng tiếng nói cười của học sinh.
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam Nguyễn Lệ Hằng, năm học vừa qua là một năm nhiều thắng lợi khi trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt được nhiều thành tích như: Tập thể lao động xuất sắc; Trường xuất sắc về Thể dục - Thể thao; Trường học An toàn. Tập thể có 10 cô giáo đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 cô giáo quản lí giỏi cấp quận, 8 giáo viên đạt Giáo viên dạy giỏi, 1 cô giáo đạt giải thưởng Nhà giáo Thanh Xuân tâm huyết, sáng tạo, 4 cô giáo được Sở Khoa học công nghệ TP. Hà Nội công nhận hiệu quả và phạm vi ảnh hưởng cấp Thành phố;.... Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam cũng đạt được nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế, từng bước nâng cao vị thế của Nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Cô Nguyễn Lệ Hằng kỳ vọng, năm học mới bắt đầu với chủ đề “Kỉ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, tập thể Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét cả về nhận thức lẫn hành động, tiếp tục trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, coi trọng lòng nhân ái, tính ân cần, phối hợp kịp thời, thường xuyên với các bậc cha mẹ học sinh trong việc giáo dục học sinh.
Em Lê Minh Anh, lớp 5A7, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam chia sẻ: "Em đã mong chờ ngày tựu trường, được gặp lại bạn bè từ mấy tháng hè. Tối qua, em nhờ mẹ chuẩn bị đồ thật đẹp để mặc vào ngày khai giảng. Tuy vậy, đây cũng là mùa khai giảng cuối cùng của em, nên em vừa hào hứng, vừa có chút buồn. Mong rằng kỳ học mới sẽ để lại nhiều kỷ niệm đẹp".
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; là năm Đảng Cộng sản Việt Nam có rất nhiều hoạt động kỷ niệm quan trọng, là thời điểm toàn ngành tích cực và phấn đấu triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng với nhiểu giải pháp, nhiệm vụ lớn; là năm kết thúc Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đây cũng là năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm học 2024 - 2025, cùng với cả nước, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại Nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo. Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng, toàn ngành Giáo dục sẽ ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra.
Trường Tiểu học Chu Văn An A đón bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia trong Lễ khai giảng
Sáng 5.9, Trường Tiểu học Chu Văn An A (Tây Hồ, Hà Nội) đã tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới 2024 - 2025 và đón Bằng công nhận “Trường đạt chuẩn Quốc gia”.
Phát biểu tại buổi Lễ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An A Nguyễn Thị Huệ chia sẻ, tháng 9 đến mang mùa thu về, mùa của nắng vàng dịu nhẹ, của bầu trời xanh trong và đặc biệt, tháng 9 đến báo hiệu một năm học mới của chúng ta cũng bắt đầu. Hòa chung niềm hân hoan của hàng triệu giáo viên, học sinh cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới thầy và trò trường Tiểu học Chu Văn An A long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025.
Ghi nhận tại trường Tiểu học Chu Văn An A, buổi Lễ được tổ chức truyền thống nhưng vẫn tạo không khí vui tươi, phấn khởi với hoạt động đón học sinh đầu cấp; tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống và hoạt động của nhà trường; phổ biến nội quy, quy định…
Năm học này, trường Tiểu học Chu Văn An A có tất cả 930 đặc biệt là 167 học sinh lớp 1 vừa chính thức trở thành những thành viên mới của trường Tiểu học Chu Văn An A.
Đón học sinh trong ngôi trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, to đẹp. Năm học 2024 - 2025, thầy và trò trường Tiểu học Chu Văn An A phấn đấu đạt nhiều thành tích trong công tác giange dạy và học tập.
Với những thành tích đã đạt được, tại buổi Lễ, Trường Tiểu học Chu Văn An A đã vinh dự đón Bằng công nhận “Trường đạt chuẩn Quốc gia”. Đây là dấu mốc quan trọng không chỉ mang lại niềm vinh dự cho tập thể Hội đồng Sư phạm, toàn thể học sinh và phụ huynh học sinh nhà trường mà còn là động lực mạnh mẽ trong công tác nâng cao chất lượng dạy học ở những năm học tiếp theo.
Trong đó, triển khai ngay nội dung Kết luận 91 của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương; hoàn thành tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua.
Triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm 19.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm học 2024-2025 và thời gian tới.
Thứ nhất, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới (trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn...); tổ chức tốt lễ khai giảng ngày 5.9, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Thứ hai, tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Yêu cầu Bộ GD-ĐT sớm xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị, trình Chính phủ ban hành trong quý III năm 2024.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ GD-ĐT tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và các quy hoạch giáo dục, đào tạo.
Thứ tư, tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thứ năm, năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức Kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.
Thứ sáu, đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Thứ bảy, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo do tình hình kinh tế xã hội còn khó khăn, còn tác động của đại dịch Covid-19.
Thứ tám, xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp hài hòa với hoàn cảnh đất nước, với các ngành khác. Thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đôi ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” và phù hợp, hợp lý, hiệu quả với thực tiễn.
Thứ chín, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Trong đó, đề nghị Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững. Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; cùng với sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục; cần sự quyết tâm, nỗ lực và hành động của mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, mỗi phụ huynh, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội.
12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.
2. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
3. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
4. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
5. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
6. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học.
7. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
8. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục.
9. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
10. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
11. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
12. Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.