Rộng mở cánh cửa tri thức

Sự phát triển của công nghệ số đã tạo cơ hội cho nhiều người tiếp cận các nguồn thông tin và tri thức mở, không chỉ ở thư viện, mà còn từ nhà xuất bản, trang thông tin điện tử... Thói quen đọc cũng đã có sự thay đổi lớn.

Kho tri thức số khổng lồ

Giữa lúc cả thế giới gần như đang ngừng trệ vì dịch bệnh Covid-19, nhiều trường học, công xưởng đóng cửa, một số công ty cho nhân viên làm việc ở nhà, độc giả trên toàn thế giới nhận được tin vui: Một số thư viện trực tuyến cho phép truy cập miễn phí; các ứng dụng, khóa học trực tuyến cũng được mở ra cho công dân toàn cầu có thể tiếp cận học tập và tìm hiểu thông tin một cách dễ dàng.

Từ cuối tháng 3, Đại học Cambridge (Anh) mở cửa miễn phí thư viện sách trực tuyến khổng lồ bao gồm sách giáo khoa có sẵn từ chương trình của Đại học này, trong nhiều ngành như: Vật lý, Khoa học trái đất, Khoa học đời sống, Toán học, Kỹ thuật, Khoa học xã hội và nhân văn... Từ nay đến cuối tháng 5, độc giả toàn cầu có thể truy cập tài nguyên trên hệ thống và cập nhật các phiên bản xuất bản mới nhất.

Thư viện Quốc gia Pháp thông qua tủ sách Gallica cũng như Thư viện vùng Romande ở Thụy Sĩ giới thiệu hàng nghìn cuốn sách miễn phí, trong đó có khá nhiều tác phẩm tiếng Pháp từng được đưa vào chương trình sách giáo khoa. Đa số những cuốn sách này trước đây chỉ dành cho giáo viên sử dụng vào mục đích giảng dạy, giờ được giới thiệu tới đông đảo công chúng. Nhiều ứng dụng học trực tuyến cũng đón chào các em nhỏ ở khắp nơi có thể tiếp cận tri thức trong thời gian nghỉ tránh dịch bệnh, hoàn toàn không mất phí…

Thực tế, ngay cả khi không có dịch bệnh, một số tổ chức, cá nhân vẫn quan tâm xây dựng và phát triển thư viện số, trang thông tin, ứng dụng học tập miễn phí, phục vụ nhu cầu đọc và học tập của hàng triệu người ở nhiều quốc gia. Nhờ vậy, mọi người dễ dàng tiếp cận tinh hoa của nhân loại, không bị rào cản bởi các điều kiện thực tế như chi phí, thời gian và khoảng cách. Như thư viện trực tuyến Project Gutenberg do Michael Stern Hart sáng lập, chuyên giới thiệu với độc giả hơn 61.000 bản sách điện tử (ebook) miễn phí trong 40 thứ tiếng khác nhau, trong đó có 5 tủ sách với các ngôn ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh, Đức, Italy, Bồ Đào Nha và Pháp. Thư viện kỹ thuật số Feedbooks cũng tặng độc giả hàng nghìn cuốn sách kinh điển, trong nguyên tác cũng như các bản dịch chính thức, xếp theo 4 chuyên đề: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thi ca, lịch sử dưới nhiều ngôn ngữ. Khan Academy, nơi có các khóa học, video giới thiệu và bài tập, cũng là một nguồn học liệu hấp dẫn dành cho các em nhỏ trên toàn cầu…

Theo Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới, trước kia, thư viện và kho tàng tri thức thông tin “đứng yên” một chỗ; bạn đọc, người dùng thông tin phải di chuyển đến thư viện để đọc, mượn tài liệu. Ngày nay, câu chuyện đã thay đổi theo chiều hướng ngược lại, khi các thư viện chuyển mạnh sang xây dựng thư viện điện tử - thư viện số - thư viện ảo, nhằm phục vụ tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn người đọc... Sự phát triển của thư viện số và các tài nguyên trên internet ngày nay vô cùng lớn, đa dạng, cho phép bạn đọc chỉ cần vài thao tác nhấp chuột máy vi tính, ngay lập tức có thể đọc, xem tài liệu ở thư viện hay các trang cung cấp thông tin.

Công nghệ số tạo cơ hội cho nhiều người tiếp cận tri thức
Công nghệ số tạo cơ hội cho nhiều người tiếp cận tri thức

Kết nối cộng đồng đọc sách

Nhiều ý kiến vẫn cho rằng, các loại hình truyền thông, giải trí mới trên internet, mạng xã hội đang thu hút đông đảo người dùng, có sức hút mạnh mẽ, “lôi kéo” nhiều độc giả xa rời sách. Tuy nhiên, có thể thấy, vài năm gần đây, trên mạng xã hội Facebook, nơi có hơn 60 triệu người Việt Nam đang sử dụng, đã hình thành rất nhiều nhóm, câu lạc bộ đọc sách, tủ sách... dành cho những đối tượng khác nhau, như: Cộng đồng đọc sách tinh hoa, Mê đọc sách, Đọc sách mỗi ngày, Hội yêu sách, Hội những người thích đọc sách, Cộng đồng ba mẹ đọc sách cho bé, 10 triệu gia đình cùng con đọc sách... Có nhóm lên tới hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn thành viên.

Các cuốn sách hay, nguồn tài nguyên số, ứng dụng học tập chất lượng được chia sẻ rộng rãi, cho phép nhiều người tìm đọc, tiếp cận, tăng khả năng tự đọc, tự học. Không chỉ vậy, việc chia sẻ kinh nghiệm đọc sách, học tập, nghiên cứu; rồi các cuộc thử thách 30 ngày đọc sách, 100 ngày đọc sách, đến 365 ngày đọc sách; thử thách đọc 300 cuốn sách... trên các nhóm đọc này đã cổ vũ việc duy trì đọc sách của nhiều độc giả, gia đình ở khắp cả thành thị và nông thôn.

Từ sự khích lệ của các thành viên trong nhóm đọc, nhiều độc giả quan tâm hơn tới việc đọc sách, nhiều cha mẹ chú ý hình thành thói quen đọc sách cho con trẻ. Chị Lan Anh, huyện Nho Quan, Ninh Bình, cho biết: “Từ khi tham gia nhóm đọc sách và bị thu hút bởi các cuốn sách hay, rồi phong trào đọc sách rầm rộ, tôi cũng đăng ký thử thách đọc sách cho cậu con trai 7 tuổi. Tháng đầu tiên là thời gian khó khăn nhất để việc đọc đi vào nếp. Nhưng nhờ quyết tâm “trả bài” hàng ngày trên nhóm, hai mẹ con đã kiên trì thực hiện. Đến nay, sau 5 tháng, với con, việc đọc đã trở thành niềm vui khám phá tri thức mới. Tôi cũng đã dành thời gian đọc sách và tự học mỗi ngày. Có thể thấy, hiện nay chỉ với máy tính hoặc các thiết bị thông minh, dù không ở thành phố, tôi vẫn tiếp cận được các nguồn sách, tài liệu giá trị”.

Những ứng dụng từ công nghệ hiện đại đang bổ trợ cho cách thức đọc truyền thống, văn hóa đọc từ đó sẽ có thêm cơ hội phát triển. Có thể thấy, ngoài sự chủ động học tập, nghiên cứu của mỗi người, môi trường internet đang có những tác động tích cực, tạo điều kiện khuyến khích, lan tỏa thói quen đọc sách và tự học đến cộng đồng.

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.