Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên
Đa số ĐBQH tán thành với mục tiêu và các quan điểm xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); ghi nhận, dự thảo Luật đã cơ bản bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân theo tinh thần của Hiến pháp, thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương và các văn kiện, nghị quyết có liên quan. Dự thảo Luật cũng đã kế thừa, phát triển những quy định của Luật hiện hành còn phù hợp, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bổ sung những quy định mới; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH; xây dựng các chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững…
Tuy nhiên, ĐBQH Triệu Thế Hùng (Hải Dương) cho rằng, những chính sách mới trước khi ban hành cần có tổng kết từ thực tiễn và đánh giá tác động xã hội kỹ lưỡng, xác định rõ những vướng mắc để sửa đổi và khắc phục. Đơn cử như vấn đề hưởng BHXH một lần thì phương án thứ nhất quy định việc hưởng BHXH một lần đối với 2 nhóm người lao động khác nhau có thể giảm dần số người được hưởng bảo hiểm một lần.
"Liệu điều này có hạn chế quyền của người tham gia BHXH không? So với tiêu chí ban đầu của dự thảo Luật đưa ra là tăng cường thu hút người lao động tham gia BHXH liệu có phù hợp, có đạt được mục tiêu sửa đổi luật lần này không? Hoặc phương án hai khi rút BHXH một lần chỉ được 50%, còn 50% được giữ lại để duy trì BHXH đến khi về hưu thì đã đánh giá tác động kỹ lưỡng chưa?"
Đặt các câu hỏi trên, ĐB Triệu Thế Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo tính toán, dự báo và xây dựng quy định về vấn đề này căn cơ hơn. Nhấn mạnh đây là đạo luật tác động lớn đến xã hội, đại biểu lưu ý, Luật BHXH sau khi được Quốc hội sửa đổi, thông qua phải đi ngay vào cuộc sống, thực hiện đúng mục tiêu, mục đích khi sửa đổi là mang lại quyền lợi cao nhất cho người lao động.
Xử lý nghiêm minh, hiệu quả các vi phạm
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật là đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Trong đó, tại Điều 36 và Điều 37 quy định cụ thể 2 hành vi chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH; Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng… Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), thực tế rất nhiều người lao động, đặc biệt là công nhân sau khi nghỉ việc đến nhận tiền BHXH lại được thông báo là không đóng BHXH. Qua giám sát cho thấy, một số địa phương chưa xử lý được vấn đề này vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt là chế tài xử lý còn thiếu. Do đó, đại biểu đề nghị, sửa luật lần này phải quy định rành mạch, rõ ràng, cụ thể các chế tài xử lý đối với người trốn đóng bảo hiểm để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trên thực tế.
Cùng quan điểm này, ĐB Triệu Thế Hùng đề nghị, cần có chính sách tuyên truyền rộng rãi để người lao động nắm vững quyền lợi của mình và việc thực hiện được đồng bộ.