Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ, Quốc hội xây dựng báo cáo trình Quốc hội; cơ bản tán thành với nội dung của các báo cáo Chính phủ và các bộ.
Qua báo cáo về kết quả rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội; sự chỉ đạo của Chính phủ và sự chỉ đạo của Quốc hội, có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các địa phương, UBND, HĐND và Đoàn ĐBQH. Phương pháp rà soát được thực hiện đúng theo yêu cầu được Quốc hội giao trong Nghị quyết 101, có tính kế thừa kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trước đây.
Các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát nói chung và trong 22 lĩnh vực trọng tâm nói riêng đều phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với các quy định của Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Số lượng văn bản và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều. Những vấn đề phát hiện chủ yếu là những bất cập do việc ban hành các văn bản đã lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, dẫn đến một số quy định không còn phù hợp.
Đối với các văn bản dưới luật, còn có tình trạng chưa phù hợp với các quy định của luật và các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Tuy nhiên, hầu hết những vấn đề bất cập được phát hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đều đã có hướng xử lý; qua rà soát cũng không thấy phát sinh những nội dung cấp bách cần phải xử ngay. Chính phủ và các cơ quan Quốc hội cũng thống nhất ý kiến cho rằng chưa cần thiết phải có kiến nghị với Quốc hội về “dùng một luật sửa nhiều luật”.
Về hướng xử lý đối với kết quả rà soát, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất hướng xử lý được đề xuất trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đối với các nội dung thuộc dự án luật tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp thứ Bảy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp cùng các cơ quan có liên quan để xử lý ngay trong các dự án luật nhằm trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp thứ Bảy tới.
Đối với các dự án luật có trong Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có trong chương trình các năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cán bộ chủ trì các dự án luật này nghiên cứu, giải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội và các Ủy ban chuyên môn tiến hành xử lý phù hợp khi trình Quốc hội. Đối với các dự án luật chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và chưa có trong Kế hoạch 81, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu lập đề nghị sửa đổi luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban chuyên môn Quốc hội tiến hành thẩm tra và trình theo quy định.
Đối với các văn bản dưới luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan tiến hành sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; có thể dùng hình thức “một văn bản sửa nhiều văn bản” trong một lĩnh vực. Trong quá trình rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cần hạn chế dùng một luật sửa nhiều luật và khi cần thiết thì chỉ áp dụng hình thức này trong một lĩnh vực.
Đối với các nội dung do các cơ quan rà soát chưa được tổng hợp trong báo cáo của Chính phủ tại Phụ lục 3 kèm theo Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ vẫn tổng hợp để báo cáo đầy đủ với Quốc hội. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xem xét, coi đây là nguồn thông tin đầu vào để nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới và coi công tác rà soát hệ thống văn bản pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với công tác thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu công việc thường xuyên của tất cả các cơ quan có thẩm quyền.
Cơ bản thống nhất với các đề xuất trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hệ thống văn bản pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, trên cơ sở kết luận nội dung thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu về nội dung này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua nội dung đánh giá kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Sáu.